Kiên quyết xóa bỏ tình trạng chạy chức, chạy quyền

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/6, tại Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua mỗi nhiệm kỳ đại hội, cấp ủy các cấp đã được đổi mới khoảng 40%, trong khi mục tiêu Chiến lược đề ra đổi mới từ 30% - 40%. Riêng Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đổi mới 42%, khóa X đổi mới 54,7%, khóa XI đổi mới 47% và khóa XII đổi mới là 48%... Nhìn chung, đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống giản dị, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện, trình độ, năng lực được nâng lên, phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng với xu thế hội nhập, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
 Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tuy nhiên, theo đồng chí Phạm Minh Chính, nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay đông nhưng không mạnh. Nếu năm 1997 có hơn 1,35 triệu cán bộ, công chức, viên chức thì năm 2017, số cán bộ, công chức, viên chức đã tăng gấp đôi với hơn 2,72 triệu người. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý ở các ban, bộ, ngành Trung ương từ 56 tuổi trở lên còn cao, chiếm tới 56,86%. Số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở Trung ương chỉ chiếm khoảng 5%, ở cấp tỉnh là 14,7%, thấp hơn so với tỷ lệ chung của cả nước.

Cơ cấu lĩnh vực, ngành nghề chưa thật hợp lý. Chẳng hạn, trong đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có tới 60,49% được đào tạo về kinh tế và luật, trong khi chỉ có 16,56% có trình độ về khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế, 8,36% về xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước. Chất lượng đội ngũ cán bộ không đồng đều, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Không ít cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng chỉ rõ, không ít cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa gương mẫu, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có nhiều lợi ích. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thậm chí vi phạm pháp luật, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Chỉ tính trong 10 năm gần đây, các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Đảng ủy Khối DN Trung ương đã phát hiện hơn 7.000 vụ vi phạm, trong đó có 280 vụ phải xử lý hình sự, hơn 1.700 cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật Đảng và 181 người phải xử lý bằng pháp luật. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy tội còn xảy ra khá phổ biến ở các cấp, các ngành nhưng chậm được ngăn chặn và đẩy lùi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
 Toàn cảnh Hội nghị Cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XII của Đảng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, để cụ thể hóa đường lối Ðại hội XII của Ðảng, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thảo luận và ban hành Nghị quyết 26 “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; có cơ chế phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp, nhất là cán bộ trẻ.
"Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ. Hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc "có lên, có xuống, có vào, có ra" trở thành bình thường trong công tác cán bộ" – đồng chí Phạm Minh Chính nói.
Cùng với đó, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng chỉ rõ 2 trọng tâm đã được Nghị quyết Trung ương xác định: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương…Tập trung xây dựng đội ngũ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền để phát huy tính chủ động, sáng tạo. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Đồng chí nhấn mạnh 5 đột phá: Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời, chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền;thực hiện nhất quán chủ trương bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không là người địa phương; cải cách chính sách tiền lương để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, cạnh tranh bình đẳng; hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó mật thiết với Nhân dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần