Kiến tạo không gian đô thị bền vững

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã và đang triển khai xây dựng mô hình TP thông minh ứng dụng công nghệ mới thời kỳ 4.0. Theo các chuyên gia, để xây dựng TP thông minh thành công cần rất nhiều yếu tố nhưng hơn hết yếu tố thiết kế và quy hoạch phải được đặt lên hàng đầu.

Những bước đi đầu tiên
Đô thị hóa của Hà Nội những năm gần đây đã tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa nhưng cũng đã để lại hệ lụy lên hệ sinh thái và môi trường đó là suy giảm đất nông nghiệp, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, tổn hại đa dạng sinh học...
Trong bối cảnh như vậy, việc xây dựng một TP thông minh đảm bảo các yếu tố bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một yêu cầu cấp thiết.
Có thể nói, Hà Nội là một trong những TP tiên phong thực hiện Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 950 ngày 1/8/2018. Theo đó, đề án đã xác định 3 nhóm nội hàm ưu tiên gồm: Quy hoạch đô thị thông minh, quản lý đô thị thông minh và tiện ích đô thị thông minh.
 Một góc TP nhìn từ hướng Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Trên nền tảng cơ sở dữ liệu liên thông, Hà Nội đã có những thành công bước đầu trong việc cung cấp các tiện ích thông minh trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng, môi trường... TP đã thí điểm và mở rộng triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động - IPARKING; giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành; xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở Bến xe Giáp Bát...
Trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường đã hoàn thành xây dựng hệ thống gồm 11 trạm quan trắc không khí tự động phục vụ cho công tác quan trắc môi trường không khí, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng giao tiếp điện tử TP.
Trong nông nghiệp, triển khai hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm bằng các thiết bị di động thông minh, đảm bảo an toàn đối với nông sản thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP. Lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng đã triển khai các dịch vụ thuế điện tử; đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng...
Đáng chú ý, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 hoành hành TP đã chủ động phát triển và công bố ứng dụng Cổng thông tin TP - Hà Nội Smart City. Ứng dụng này đã giúp người dân phản ánh, kiến nghị về y tế (về người nghi nhiễm, thông tin vi phạm), góp phần tích cực, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tại Hội nghị thường niên lần thứ 3 của Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN tổ chức vào tháng 7/2020 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục nâng cấp, phát triển ứng dụng Hà Nội Smart City là địa chỉ duy nhất để cung cấp thông tin, dịch vụ của các lĩnh vực (chất lượng không khí, môi trường, lượng mưa, nhiệt độ... hướng dẫn về du lịch, y tế), phục vụ tương tác hai chiều trực tiếp, nhanh nhất giữa chính quyền TP với người dân và DN; tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân và DN với chính quyền TP.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, thời gian qua, Hà Nội đã rất tích cực trong việc phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị và triển khai các hạ tầng kỹ thuật phục vụ các ứng dụng thông minh. Tuy nhiên, để đô thị thông minh trở thành hiện thực, không chỉ là sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại mà còn phải kết hợp với quy hoạch thông minh để tạo nên không gian đô thị bền vững.
Một đô thị thông minh phải hội tụ đủ: Kinh tế thông minh (phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh), kết cấu hạ tầng thông minh (giao thông, dịch vụ đồng bộ, phúc lợi công cộng, môi trường an toàn, giáo dục, văn hóa, lao động việc làm, phân phối...), cư dân thông minh, tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống thông minh (chất lượng sống tốt cho mọi cư dân) và không thể thiếu là quản lý đô thị cũng phải là quản lý thông minh.
Quy hoạch cần đi trước
Trong xây dựng phát triển đô thị, quy hoạch bao giờ cũng là lĩnh vực đi trước và định hướng phát triển cho các lĩnh vực tiếp theo và với quy hoạch đô thị thông minh, vấn đề này cần được đặc biệt quan tâm hơn nữa. Cần sớm xây dựng thể chế, hành lang pháp lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát, vận hành đô thị thông minh nhằm đảm bảo tính chiến lược và bền vững.
 Người dân sử dụng ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động - IPARKING 

tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho rằng, để xây dựng đô thị thông minh, các giải pháp công nghệ rất quan trọng nhưng đó chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để một TP Thông minh phát triển bền vững cần có quy hoạch đô thị thông minh, quản trị tài sản đô thị thông minh. Đó là việc duy trì, khôi phục và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, cấu trúc cảnh quan đặc trưng.
Sử dụng quỹ đất công một cách hiệu quả trong việc xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội nhằm đem lại phúc lợi xã hội cho người dân một cách tối đa. Trong quy hoạch và phát triển đô thị mới cần chú trọng đến việc kết nối về hạ tầng, cảnh quan với các đô thị hiện hữu xung quanh. Hay như trong lĩnh vực giao thông cần dành tối đa nguồn lực phát triển giao thông công cộng, lĩnh vực nông nghiệp thì đó phải là một nền kinh tế tuần hoàn…
Và điều tất yếu, các chuyên gia cũng cho rằng để xây dựng không gian đô thị thông minh, trong quy hoạch xây dựng đô thị cần phải dựa trên nền tảng công nghệ. Xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu lớn (big data) cho quy hoạch phát triển đô thị thông minh cần phải được đặc biệt lưu ý. Cơ sở dữ liệu đô thị từ lúc thiết kế, thi công dự án - công trình cho đến khi vận hành cần được số hóa và lưu trữ sử dụng lâu dài.
Các ứng dụng cho quản lý đô thị trên nền tảng thiết bị thông minh cũng sẽ truy cập và sử dụng cơ sở dữ liệu này. Thiết kế quy hoạch cần phải ứng dụng hệ thông tin địa lý GIS và kết hợp số hóa để đưa lên trên nền tảng internet giống với cách google đang làm lớp bản đồ google map để Nhà nước, DN và người dân cùng sử dụng được.
Với Dự án TP thông minh thuộc quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài được khởi công vào tháng 10/2019, Hà Nội đã đặt mục tiêu kiến tạo một không gian thông minh, thuận lợi kết nối giao thông và thuận lợi cho chính người dân khi đồng bộ yếu tố hạ tầng xã hội và kỹ thuật, đồng thời là bước đệm cho sự phát triển bền vững về môi trường, kinh tế, văn hóa cho Hà Nội.
Song để dự án có thể thành công, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, dự án phải thực hiện theo lộ trình, có bước đi vững chắc, hợp lý và có tầm nhìn quản lý tổng thể không để ra sai sót hay xung đột trong quá trình thực hiện.

"Phải nhìn nhận rằng, Hà Nội đã đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, nhất là mạng diện rộng WAN. Nhưng để có tâm thế bước vào xây dựng “thành phố thông minh” còn nhiều việc phải làm để không chỉ phát triển về công nghệ, mà còn bảo đảm các yếu tố văn hóa truyền thống được bảo lưu từ ngàn năm qua" - Ủy viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội - KTS Trần Huy Ánh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần