Kiến tạo tương lai xanh bằng những nghiên cứu khoa học sáng tạo

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển bền vững và bảo vệ môi trường là mục tiêu lâu dài, nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Thành phố Hà Nội nói riêng. Do đó, trong những năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến trên thế giới trong bảo vệ môi trường tại Hà Nội ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn.

Đã có nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn góp phần không nhỏ thực hiện mục tiêu này.
Giải quyết vấn đề cấp bách bảo vệ môi trường
Hiện nay, việc sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần quá phổ biến trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Mặc dù đem lại sự tiện lợi, giá thành rẻ, nhưng việc sử dụng các sản phẩm này ngày càng nhiều đang gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ con người.
Túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần, chỉ sử dụng thời gian rất ngắn rồi vứt bỏ, nhưng các sản phẩm này có đặc tính lâu phân huỷ thì tác hại của nó lại vô cùng lớn không chỉ với sức khoẻ con người mà còn với môi trường, hệ sinh thái trên Trái đất.
Thiết bị đùn thổi màng một trục vít series SJ-45 của Nhật được sử dụng trong quá trình sản xuất túi đựng rác tự hủy.

Theo các nhà nghiên cứu, phải mất từ 500 - 1.000 năm túi ni lông mới bị phân huỷ trong môi trường tự nhiên. Trong khi đó, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường rất lớn, gần 1/3 số túi ni lông rác thải mỗi ngày không được thu gom, xử lý. Hậu quả là rác thải nhựa, túi ni lông có mặt ở khắp nơi gây ô nhiễm môi trường nặng nề và là điều kiện để cho các loại dịch bệnh sinh sôi và phát triển.
Tại Việt Nam, việc tận dụng nguồn nhựa phế thải kết hợp với công nghệ phân hủy oxo-degradable để sản xuất các sản phẩm hữu ích hầu như chưa được quan tâm. Các cơ sở tái chế nhựa phế thải ở một số làng nghề chủ yếu là tự phát, thiếu quy hoạch với những thiết bị và công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ người dân ở khu vực xung quanh.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội, cùng với yêu cầu phát triển các biện pháp tái chế, xử lý chất thải nhựa thành các sản phẩm hữu ích, góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất túi đựng rác tự hủy từ nhựa phế thải".
Mục đích mà các nhà khoa học hướng đến là việc nghiên cứu chế tạo và đánh giá khả năng phân hủy giảm cấp và phân hủy sinh học của màng PE có phụ gia xúc tiến oxy hóa đồng thời xây dựng được dây chuyền công nghệ đồng bộ sản xuất túi đựng rác tự hủy từ nhựa phế thải có thời gian tự hủy từ 12 - 36 tháng.
So với các loại túi nylon trên thị trường, túi phân hủy của nhóm nghiên cứu bền chắc hơn, độ co dãn tăng 5,06%. Để thử nghiệm độ phân hủy, nhóm nghiên cứu đã chôn mẫu túi xuống một vườn đất ở Phú Thọ, sau 12 tháng túi đã phân hủy 70 - 100% khối lượng. Thời gian túi phân hủy chưa tới 3 năm tùy thuộc vào độ dày của túi.
TS Nguyễn Trung Đức - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, túi không phân hủy thành những mảnh nhỏ như các loại túi nhựa khác mà chuyển hóa thành nước và khí CO2, dễ dàng thẩm thấu dưới đất, đem lại dinh dưỡng cho cây trồng. Nếu được ngâm trong bùn hoạt tính và môi trường phân trộn, thời gian phân hủy của túi sẽ rút ngắn xuống 7 - 8 tháng.
Sản phẩm túi đựng rác tự hủy từ màng HDPE phế thải đã được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp Giấy chứng nhận túi ni lông thân thiện môi trường số 74/CN-TCMT. Công nghệ này hiện đã được chuyển giao cho công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung (Hà Nội) để sản xuất với công suất 30 kg/giờ. Sản phẩm được các hệ thống siêu thị lớn đặt hàng.
Cùng với túi đựng rác tự hủy từ nhựa phế thải, nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị khác cũng đã được các nhà khoa học nghiên cứu thành công. Tiêu biểu có thể kể đến công trình nghiên cứu Polyme siêu hấp thụ nước AMS-1. "Hạt nước" này có khả năng giữ nước và các chất dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, cải tạo đất giúp cây trồng phát triển tốt, năng suất tăng, không gây độc hại và an toàn với môi trường.
Hiện nay, sản phẩm AMS-1 đang được ứng dụng và triển khai trên diện rộng để chống hạn tại Tây Nguyên theo Chương trình Tây Nguyên 3 với mã số TN3/C03 do Viện Hóa học chủ trì. Kết quả cho thấy đã làm tăng khả năng giữ ẩm và cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng từ 12 - 20%.
Sản phẩm được đưa vào trong danh mục phân bón năm 2013 ban hành kèm theo Thông tư số 38/2013/TT-BNNPTNT ngày 09/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sản phẩm cũng được tặng cúp vàng tại Techmart Việt Nam năm 2012.
Phát triển khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đầu tư nghiên cứu khoa học, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ
Khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng, động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể như: Hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ...
Hà Nội cũng đã ban hành Đề án "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn năm 2019 - 2025" nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Cùng chung mục đích đó, chiến dịch cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 đặt đổi mới sáng tạo - và các quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo - là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh.
Chọn chủ đề "Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh", Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới muốn tôn vinh các nhà sáng chế, các nhà khoa học đã phát minh những thành tựu tiên tiến cho nhân loại và truyền cảm hứng trên khắp thế giới. Đó là những người đã nghiên cứu, sáng tạo ra những công nghệ mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các hệ thống kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng tái tạo, tạo ra giống cây có năng suất chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, vật liệu thân thiện với môi sinh... giúp "xanh hóa" cuộc sống.
Việc quan tâm ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Phát triển khoa học và công nghệ ở Thành phố Hà Nội sẽ tạo điều kiện ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất; thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến... góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội của Thành phố phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần