Kiện toàn chính sách an toàn thực phẩm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã chủ trì, sửa đổi nhiều chính sách bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Dù vậy, để chính sách đi vào cuộc sống, vẫn còn không ít việc cần làm.

 Lực lượng chức năng liên ngành thanh, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại Công ty CP Rau an toàn Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Lâm Nguyễn
Điều chỉnh hàng chục chính sách
Kết quả rà soát của Bộ NN&PTNT cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị này đã trình Chính phủ để trình Quốc hội bàn thảo, tiến tới thông qua hai dự thảo Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới. Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014-NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành 3 thông tư quy định danh mục giống vật nuôi, các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành, sử dụng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, hoàn thiện 25 quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP trong lĩnh vực nông lâm thủy sản.

Dù đã có những điều chỉnh mang tính dài hơi, tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn liên quan tới một số chính sách hiện hành. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, hiện nay chưa có chế tài đình chỉ, hoặc tạm đình chỉ hoạt động của các cơ sở vi phạm; cũng chưa có thông tư quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ của riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu vẫn đang vận dụng các quy định của Bộ Công Thương.

Đặc biệt, nhiều ý kiến lãnh đạo các sở, ban ngành tại các địa phương bày tỏ vướng mắc liên quan tới triển khai thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Băn khoăn tập trung chủ yếu ở một số khía cạnh như làm thế nào để xác định cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ; có nên giữ nguyên quy định về xác nhận kiến thức ATTP và sức khỏe đối với chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh hay không…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, từ nay tới cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành sửa đổi, bổ sung Nghị định số 178/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP. Rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo an toàn khỏi danh mục thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật…

Cùng với kiện toàn hệ thống chính sách, ông Tiệp cũng thông tin thêm, Bộ sẽ tiến tới phân cấp và hướng dẫn cho các cấp huyện, xã tổ chức triển khai Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT quy định điều kiện bảo đảm ATTP và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Đồng thời, tăng cường giám sát ATTP theo Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT quy định giám sát ATTP nông lâm thủy sản. Riêng đối với Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, sẽ tiến hành giải đáp trực tiếp thông qua các hội nghị và trả lời trên hệ thống quản lý dữ liệu của Bộ.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tình trạng mất ATTP hiện chủ yếu vẫn xảy ra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Theo đó, tăng cường giám sát, kiểm tra và tái kiểm tra các cơ sở này được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, các địa phương chuyển mạnh từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, sang thanh tra, kiểm tra đột xuất. Trong đó, tập trung vào những công đoạn có nguy cơ cao gây mất ATTP trong toàn bộ chuỗi ngành hàng. Thời gian tới, Bộ cũng sẽ đôn đốc các đơn vị trực thuộc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhưng vẫn bảo đảm các quy định pháp luật về ATTP.