Kiến trúc tòa nhà chung cư phải hợp lý

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh với báo Kinh tế & Đô thị xoay quanh vấn đề phòng chống cháy nổ chung cư.

Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh
Theo ông Đực, ngoài những biện pháp PCCC như công cụ, máy móc và con người, giải pháp kiến trúc chính là hướng đi bền vững nhất.
Tâm lý người dân chung cư đang “sốc” nặng sau vụ cháy nổ kinh hoàng ở TP Hồ Chí Minh. Thậm chí không ít hộ gia đình có ý định tìm về nhà đất. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Từ nhiều năm nay chỉ có một vụ cháy chung cư Hà Nội năm 2010 làm chết ngạt hai mẹ con. Mới đây nhất, vụ cháy tại tòa nhà Carina Plaza, số người tử vong như báo chí đưa tin đã lên đến 13 người – được xem là con số đau thương kỷ lục của hỏa hoạn chung cư. Trong khi hàng ngàn vụ cháy xảy ra đối với nhà đất gây tử vong cả ngàn người mà khó lòng thống kê được. Vậy ở chung cư an toàn cháy ngạt hơn nhà đất? Đi máy bay an toàn hơn ô tô? Để trả lời được câu hỏi này, quan trọng là thiết kế kiến trúc tòa chung cư phải hợp lý.

Qua hình ảnh báo chí đưa tôi thấy, điều kỳ lạ cháy chung cư nhưng khói bốc lên nhiều trên mái tòa nhà. Từ đó, có cảm giác có giếng trời ở giữa khu chung cư, xuyên suốt từ tầng hầm lên mái nhà. Đây là nguyên nhân dẫn khói từ tầng hầm đi lên các tầng trên. Nếu đúng như suy đoán của tôi thì cấu tạo kiến trúc này không hợp lý. Tại sao không bố trí lỗ thoát khí, thoát khói ra ngoài hành lang bên hông tầng hầm mà lại đẩy khói từ hầm lên mái?. Nếu không có lỗ thông khói từ hầm lên mái thì đám cháy và ảnh hưởng của nó chỉ khu vực tầng hầm không thể lan lên tầng trên gây hậu quả như vậy.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn, về câu chuyện kiến trúc tòa nhà chung cư, để hạn chế cháy nổ?

- Dân đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sống trong chung cư là xu thế tất yếu. Điều đáng bàn là tập cho cư dân thói quen thích ứng với môi trường chung cư. Người dân biết đọc bản vẽ mặt bằng tầng và chọn chung cư "không cháy không ngạt" và có "kỹ năng sinh tồn" tại chung cư mình sống.

Quan trọng nhất là khâu xây dựng, chủ đầu tư phải chú trọng tiện ích và giá trị an toàn "cháy - ngạt". Chủ đầu tư và đơn vị thiết kế phải cấu tạo sảnh tầng thông thoáng, không tích tụ khói gây ngạt, hành lang rộng trên 1,8m, sảnh thang máy trên 3,0m, thang bộ thoát hiểm rộng trên 1,3m và bậc thang đúng chuẩn cao 15cm, rộng 30cm không chấp nhận cao 17 - 18cm. Hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động... phải hoạt động tốt. Luật PCCC rất "đầy" nhưng chưa "đủ" để thoát nạn sinh tồn. Ban Quản trị và Ban Quản lý thường xuyên kiểm tra công cụ và đội ngũ PCCC.

Tuy loại hình chung cư là tất yếu, song không thể phủ nhận, thanh khoản của thị trường này đang được nhận định, nhiều khả năng chững lại do hiệu ứng hoảng sợ từ số đông. Vậy quan điểm của ông?

- Chắc chắn diễn tiến về các vụ cháy dồn dập trong mấy ngày qua ảnh hưởng khá tiêu cực tới tâm lý của người mua nhà lẫn nhà đầu tư, ít nhất trong ngắn hạn. Sự tăng trưởng trung và dài hạn của thị trường vì thế cần thêm thời gian để kiểm chứng lại hướng xử lý của cơ quan có thẩm quyền và các chủ đầu tư. Kịch bản khả quan thị trường đi ngang chỉ khi không có thêm thông tin "sốc" nào xảy ra liên quan đến loại hình chung cư. Nếu không, khó loại trừ trường hợp sẽ đóng băng sớm hơn dự kiến.

Hỏa hoạn tại chung cư là điềm đã được báo trước. Đây là bài học sâu sắc để cảnh tỉnh các chủ đầu tư luôn thờ ơ và bàng quan trong việc thẩm định kiến trúc tòa nhà để đảm bảo an toàn cháy nổ. Đồng thời, phải tăng cường năng lực chữa cháy cho các chung cư nhanh, gọn, hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn ông!