Kiến trúc xanh không chỉ dành cho… người giàu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mới đây, Hội KTS Việt Nam đã phát động cuộc tuyển chọn công trình kiến trúc xanh với những tiêu chí "hướng Việt".

Cùng với việc phát động tuyển chọn công trình kiến trúc xanh năm 2012, Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đã đưa đến một thông điệp mới mẻ nhưng lại gần gũi - đó là kiến trúc xanh không đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều cây xanh và không phải là xu hướng chỉ dành cho những nước giàu và những người giàu.
 
Kết hợp hiện đại và truyền thống

Các nghiên cứu, đánh giá khoa học đều cho thấy, một trong những thủ phạm của biến đổi khí hậu là sự tiêu thụ năng lượng khổng lồ từ các công trình xây dựng. Hiện nay các công trình xây dựng trên thế giới chiếm khoảng 35 - 40% việc tiêu thụ năng lượng toàn cầu và cũng phát thải khoảng 37% khí nhà kính. Trong bối cảnh đó, việc thiết kế, thi công và vận hành các công trình xanh có tác dụng vô cùng lớn trong việc sử dụng tài nguyên một cách có hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính và xa hơn nữa là giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Công trình xanh chính là giải pháp thích hợp để phát triển bền vững trong thế kỷ XXI.

Mới đây, Hội KTS Việt Nam đã phát động cuộc tuyển chọn công trình kiến trúc xanh với những tiêu chí "hướng Việt". Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn cho biết, yếu tố quyết định của việc tuyển chọn công trình kiến trúc xanh là tinh thần hướng về thiên nhiên của công trình, với tiêu chí: công trình được xây dựng trên địa điểm bền vững; môi trường sống bên trong công trình có chất lượng; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; hòa nhập môi trường nhân văn; kiến trúc hiện đại, có bản sắc.

Ông Vạn phân tích: "Nhiều người hiểu lầm kiến trúc xanh là sử dụng nhiều cây xanh. Có một số người cho rằng kiến trúc xanh là xu hướng dành cho người giàu, cho những nước giàu. Nhưng không phải vậy, những nước nghèo cũng có thể phát triển kiến trúc xanh, làm cho đời sống của chúng ta tốt hơn, hạn chế và chống lại sự hủy hoại môi trường. Nhiều nước trên thế giới có hội đồng kiến trúc xanh riêng với những tiêu chí khác nhau. Việt Nam nghiên cứu tiêu chí kiến trúc xanh trong hoàn cảnh của mình, phải đặt ra sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh, những kinh nghiệm truyền thống và tinh thần hướng về thiên nhiên".

Nhà sàn truyền thống là giải pháp kiến trúc xanh

Chia sẻ quan điểm về công trình kiến trúc xanh, KTS Nguyễn Hồng Hà cho rằng: "Chúng ta đừng quá lo lắng về khái niệm ngôi nhà xanh và đừng cho nó là điều xa vời thực tế, nhất là với điều kiện kinh tế còn khó khăn hiện nay. Đừng nghĩ ngôi nhà xanh chỉ là những ngôi biệt thự mượt mà, sang trọng với hồ bơi ngoài trời nằm giữa khuôn viên cây cảnh. Cũng đừng nghĩ kiến trúc xanh chỉ là những căn nhà khép kín đầy đủ tiện nghi với kỹ thuật hiện đại, dùng toàn năng lượng tự nhiên hoặc ngôi nhà xanh phải nằm giữa rừng cây, không có bất cứ thiết bị sử dụng năng lượng nhân tạo nào. Kiến trúc xanh là công trình kiến trúc được tạo ra ít gây ảnh hưởng nhất đến môi trường và dựa vào môi trường, hòa nhập với thiên nhiên một cách tối ưu (ánh sáng, gió, nước, không khí, cây xanh...). Từ quan điểm này, KTS Hà khẳng định, không đâu xa, kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chính là giải pháp kiến trúc xanh.

Theo KTS Nguyễn Minh Sơn (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) khẳng định: "Kiến trúc xanh được sinh ra không chỉ bởi sự chống trả những biến đổi bất thường của thiên tai bão lũ, những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra mà còn bởi sự tìm kiếm, rượt đuổi bất tận về chất lượng và tiện nghi cuộc sống. Phát triển kiến trúc xanh thành công sẽ mang lại lợi ích to lớn, toàn diện về kinh tế, xã hội".

 
Các công trình - cụm công trình kiến trúc đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2000 đến nay đều được tham gia cuộc tuyển chọn kiến trúc xanh 2012. Cuộc tuyển chọn nhằm công nhận những công trình đạt chuẩn kiến trúc xanh Việt Nam, từ đó thúc đẩy nền kiến trúc phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường. Thời gian nhận hồ sơ dự tuyển sẽ kết thúc vào ngày 6/4. Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4/2012.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần