Kim Sơn nhân rộng mô hình nuôi ong lấy mật

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài năm gần đây, người dân xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây phát triển mạnh mô hình nuôi ong lấy mật, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

 Nuôi ong lấy mật tại gia đình ông Nguyễn Xuân Quyền, xã Kim Sơn. 

Kim Sơn là một xã vùng bán sơn địa của thị xã Sơn Tây với trên 2.000ha diện tích trồng cây ăn quả. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này, từ những năm 1984, một số hộ dân tại đây đã phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Tuy nhiên, thời điểm đó các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Đến năm 2007, một số hộ đã chủ động thành lập câu lạc bộ nuôi ong lấy mật với 11 thành viên nhằm chia sẻ kinh nghiệm. Cũng từ đó, nghề nuôi ong ở Kim Sơn phát triển mạnh thành phong trào, nâng số lượng tổng đàn lên hơn 4.000 đàn ong.

Vừa khéo léo nhấc cầu ong ra khỏi tổ để kiểm tra, ông Nguyễn Xuân Quyền – Tổ trưởng tổ sản xuất nuôi ong lấy mật xã Kim Sơn cho biết, nghề nuôi ong khá đơn giản, cơ bản người nuôi chỉ cần am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào. Theo kinh nghiệm của ông Quyền, vào mùa Xuân là thời điểm đàn ong cho sản lượng mật nhiều nhất và chất lượng cũng thơm ngon nhất. “Hiện, gia đình tôi đang nuôi 150 tổ, trung bình mỗi năm cũng cho thu nhập gần 200 triệu đồng” – ông Quyền tiết lộ.

Cũng là hộ gia đình có thu nhập khá từ nghề nuôi ong, ông Nguyễn Văn Nam, thôn Nghĩa Hương hiện đang có 500 đàn, giai đoạn cao điểm nhất gia đình ông có tới 1.000 đàn. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 800 triệu đồng từ nghề nuôi ong. “Nghề nuôi ong vốn đầu tư ít nhưng thu nhập lại cao và không tốn nhiều diện tích sản xuất. Ngoài cho sản phẩm mật ong, phấn hoa, ong còn là loài côn trùng rất tốt cho sản xuất nông nghiệp, giúp tăng thụ phấn cây ăn quả” – ông Nam chia sẻ.

Nhằm liên kết chặt chẽ hơn nữa để cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tháng 3/2018, các hộ nuôi ong ở Kim Sơn đã liên kết lại thành Tổ sản xuất nuôi ong lấy mật Kim Sơn. Sau hơn một năm thành lập, đến nay, Tổ liên kết đã tăng lên thành 35 hộ thành viên. Ngoài doanh thu từ khai thác mật, các hộ còn tập trung nhân đàn, tách đàn bán giống, bán phấn hoa và các sản phẩm khác mang lại nguồn thu nhập thường xuyên từ 150 – 800 triệu đồng/hộ/năm. Năm 2018, tổng sản lượng mật ong của Tổ liên kết thu được hơn 30 tấn, tương đương gần 40.000 lít. Hiện, giá mật ong Kim Sơn đang được bán từ 220.000 – 250.000 đồng/lít.

Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh đánh giá, nghề nuôi ong mật không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn ít rủi ro và ổn định hơn so với những giống vật nuôi khác. Để hỗ trợ nhân rộng mô hình, năm 2017, thị xã Sơn Tây đã hỗ trợ Kim Sơn 300 đàn ong và 1.000 vỏ thùng ong. Hiện tại, cùng với Kim Sơn, một số xã, phường khác như Sơn Đông, Cổ Đông, Trung Sơn Trầm, Xuân Sơn, Thanh Mỹ… cũng đang học tập và mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật. Cùng với việc tập trung mở rộng mô hình nuôi ong lấy mật ở Kim Sơn, thị xã Sơn Tây đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nhãn hiệu tập thể “Mật ong Sơn Tây”, nhằm nâng cao giá trị cũng như lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần