Theo đánh giá của các chuyên gia, Airbnb phát triển nóng nên không bền vững và có nguy cơ sẽ bị “khai tử” tại thị trường Việt Nam.
Airbnb đang trốn thuế?
Anh Trịnh Văn Khải - một người kinh doanh căn hộ lưu trú Airbnb tại phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, Airbnb là ứng dụng kết nối trực tiếp người có phòng cho thuê với người cần tìm chỗ lưu trú, kể cả ngắn ngày hay dài ngày thông qua một ứng dụng di động, tương tự như booking, agoda…
Hiện nay, anh Khải đang có 3 căn hộ kinh doanh Airbnb. “Sau khi tôi khai báo hộ kinh doanh, cán bộ thuế phường đến kiểm tra. Trên cơ sở mô hình kinh doanh, tôi được khoán một mức thuế phải đóng hàng tháng là 1 triệu đồng cho mỗi căn hộ kinh doanh Airbnb” - anh Khải nói.
Số liệu thống kê của công ty chủ quản Airbnb (tại thung lũng Silicon Valley, bang California, Mỹ), đến thời điểm hiện tại, ứng dụng Airbnb đã được phổ biến rộng rãi tại trên 34.000 TP thuộc hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam là quốc gia thuộc top đầu về số lượng sản phẩm tham gia kinh doanh theo mô hình Airbnb, với trên 6.500 sản phẩm (tính đến hết năm 2018).
Thống kê của Bộ Tài chính Pháp, quốc gia có số lượng sản phẩm Airbnb lớn nhất thế giới, năm 2016 số tiền thuế trực tiếp thu được từ loại hình kinh doanh này chỉ đạt gần 93.000 Euro, trên tổng số doanh thu khoảng 6,5 tỷ Euro của Airbnb tại quốc gia này. Bộ Tài chính Pháp cho rằng, Airbnb đang vi phạm quy tắc kinh doanh, có doanh thu lớn nhưng đóng góp thuế hết sức ít ỏi.
Tại thị trường Việt Nam, theo ông Nguyễn Minh Ngọc - chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam), với nguồn thu khủng mà mỗi hộ kinh doanh chỉ đóng khoảng 1 triệu đồng tiền thuế khoán một tháng thì quá ít. Mặt khác, các cơ sở lưu trú của Việt Nam tham gia kinh doanh trên Airbnb hầu hết là cá nhân và hộ gia đình, giao dịch được thực hiện qua mạng internet, thanh toán bằng hình thức chuyển khoản quốc tế, không xuất hóa đơn, không có sổ sách chứng từ là hình thức trốn thuế của người kinh doanh.
“Việc công ty chủ quản Airbnb thực hiện các giao dịch thông qua phần mềm ứng dụng di dộng và tiền đổ trực tiếp về công ty chủ quản, sau đó mới trả lại số tiền thuê cho người kinh doanh là hình thức lách luật để trốn thuế” - ông Ngọc cho hay.
Nguy cơ “khai tử” khỏi thị trường
Với sự tiện lợi, linh hoạt trong kinh doanh, Airbnb đã phát triển một cách ồ ạt theo nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, những tưởng lợi nhuận cao nên nhiều người đã đi thuê lại cả một tòa nhà 5 - 7 tầng với giá thuê từ 100 - 200 triệu đồng/tháng để làm dịch vụ này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc kinh doanh Airbnb đã không còn mang lại lợi nhuận cao như thời gian đầu mới xuất hiện.
Ông Lê Xuân Vinh - Hiệp hội Khách sạn phố cổ Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, những người kinh doanh Airbnb than ròng vì lỗ do không có tài sản để kinh doanh mà phải đi thuê, trong khi giá thuê trên thị trường lại liên tục leo thang.
Ngoài ra, để vận hành tốt sản phẩm Airbnb, cần phải đầu tư một khoản tiền tương đối lớn cho nội thất, cộng thêm những chi phí phát sinh khác như: Phục vụ, điện, nước, internet... “Việc đi thuê để kinh doanh Airbnb đã dẫn tới sự phát triển không bền vững của dòng sản phẩm này. Nhiều người đã phải từ bỏ kinh doanh. Bản thân tôi sau một thời gian thuê căn hộ để kinh doanh Airbnb đến nay đã phải dừng lại. Nếu việc đi thuê căn hộ để kinh doanh Airbnb vẫn kéo dài sẽ làm cho sản phẩm này có nguy cơ bị “khai tử” - ông Vinh nói.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm Airbnb đang giúp cho thị trường cho thuê lưu trú đa dạng hơn, nhưng để đầu tư Airbnb thành công, trước hết phải tích lũy được những kinh nghiệm tối thiểu để có thể tự vận hành hoạt động, không nên vội vàng bỏ vốn. Thứ hai, bản chất của cho thuê Airbnb là thuê ngắn hạn nên chủ đầu tư phải có hiểu biết về các dịch vụ du lịch, kết nối các sản phẩm du lịch khác từ đó để tìm kiếm nguồn khách. Thứ ba, là cần phải có chiến lược dài hạn không nên đầu tư theo phong trào. |