Kinh doanh đa cấp và thủ đoạn “làm xiếc” để lừa đảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 12/2015, báo Kinh tế & Đô thị khởi đăng loạt bài: “Tiền mất, tật mang” vì kinh doanh đa cấp, trong đó, nhiều công ty đa cấp biến tướng đã gây ra hệ lụy cho những người tham gia.

Và mới đây, bộ sậu lãnh đạo của Công ty CP Liên kết Sản xuất Thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt) bị khởi tố là hồi chuông cảnh báo đối với những công ty hoạt động ở lĩnh vực này và những người luôn ôm giấc mộng “làm giàu không khó”. Tuy nhiên, các công ty đa cấp có chung thủ đoạn lừa đảo như thế nào không phải ai cũng biết. Ở bài báo này, chúng tôi vạch trần các thủ đoạn “làm xiếc” của các công ty bán hàng đa cấp bất chính.
Các buổi lễ của Liên kết Việt đều được tổ chức hoành tráng.
Các buổi lễ của Liên kết Việt đều được tổ chức hoành tráng.
Mạnh tay chi hoa hồng “khủng”
Hàng loạt lãnh đạo Công ty MB24, Cộng đồng Việt, Tâm Mặt Trời, Diamond Holiday... và gần đây nhất là Liên kết Việt bị bắt sau khi kinh doanh theo mô hình đa cấp. Thậm chí, trường hợp Liên kết Việt đã lừa đảo tới hơn 60.000 nạn nhân tại 27 tỉnh, TP để chiếm đoạt số tiền trên 1.900 tỷ đồng (con số này vẫn tiếp tục tăng lên). Bằng thủ đoạn nào các đối tượng có thể mồi chài hàng chục ngàn người bỏ cả ngàn tỷ đồng vào hệ thống đa cấp?

Phần lớn các vụ án đa cấp đều có chung mô típ, tiểu xảo lừa đảo. Đó là sự khuếch trương, đánh bóng thương hiệu của công ty, những lãnh đạo “tỷ phú đô la” có biệt tài “chém gió” và những khoản tiền hoa hồng “khủng”. Điều này đã đánh trúng vào lòng tham cùng với sự thiếu hiểu biết của người tham gia, dẫn tới hàng chục ngàn người bỏ tiền vào hệ thống đa cấp. Trên thực tế và qua các vụ việc bị cơ quan chức năng triệt phá, nạn nhân đều là những người thân, người quen bị lôi kéo tham gia. Khi những “quả bóng” đa cấp phát nổ, dư luận không khỏi giật mình về hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng tại Việt Nam.

Trong vụ án xảy ra tại “tập đoàn đa cấp” Liên kết Việt, nhóm đối tượng đã mạnh tay chi hoa hồng lên tới 65%, đồng thời khuếch trương các chương trình khuyến mại, thi đua như Hoa hồng đại thắng, Mã đáo thành công; thậm chí thưởng nhà, thưởng ô tô cho các đại lý. Số tiền hoa hồng được tính cho mỗi cá nhân là 8%, càng nhiều người tham, gia tỷ lệ hoa hồng càng cao. Cơ quan điều tra làm rõ, Liên kết Việt đã mạo danh DN của Bộ Quốc phòng để giới thiệu các mặt hàng như máy chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng… và kinh doanh theo mô hình đa cấp. Nhiều tướng, sĩ quan cấp tá quân đội bị công ty này lợi dụng mượn danh để lừa đảo. Đồng thời, làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và tự trao tặng cho mình nhằm tăng uy tín trong mắt của người dân. Công ty còn khuyến cáo khách hàng không nên nhận hàng vì nếu nhận sẽ bị khấu trừ, giảm tiền hoa hồng. Thực chất, cách kiếm tiền này là lấy tiền người mới trả cho người cũ.

Tháng 1/2016, các bị cáo liên quan vụ lừa đảo thông qua hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng (sản phẩm là gói dịch vụ du lịch đặt phòng do Tập đoàn Diamond Holiday Travel Hoa Kỳ cung cấp) đã phải hầu tòa. Gần 90.000 nạn nhân ở các tỉnh, TP, với số tiền lên tới hàng chục triệu USD. Theo mô hình này, khách có thể đi du lịch thế giới chỉ với 375 USD, nghỉ tại khách sạn 3 - 5 sao. Khi đóng 375 USD, khách được xếp “bàn du lịch tầng 1”, đến khi leo qua “bàn bậc 4” được chuyển sang “bàn kim cương” và được thưởng 1.000 USD. Bản chất chương trình là huy động vốn đa cấp, lấy tiền của cấp dưới thưởng cho người cấp trên, đánh vào lòng tham của người chơi khi bỏ ra số tiền nhỏ mà lợi nhuận không giới hạn. Tuy nhiên, nộp tiền xong chẳng mấy ai được đi du lịch.

Ở vụ án Muaban24, Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến (MB24) do Nguyễn Tuấn Minh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng 2 người khác thành lập vào giữa năm 2011. Không được cấp phép hoạt động nhưng nhóm này đã quảng bá trên website muaban24.vn là sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo ra các gian hàng ảo. Lãnh đạo công ty lôi kéo bán gian hàng ảo trên trang muaban24.vn, lấy tiền của hội viên tham gia sau trả cho hội viên trước, tạo ra một tài khoản trên hệ thống muaban24.vn để đưa tiền ảo vào hệ thống rồi rút tiền thật của các hội viên. Bằng các thủ đoạn trên, từ khi thành lập đến tháng 7/2012, MB24 đã bán được gần 120.000 gian hàng ảo với số tiền hơn 600 tỷ đồng. Giữa năm 2014, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt tổng cộng 42 năm tù dành cho 3 cựu lãnh đạo Công ty MB24.

Ở vụ án Công ty Tâm Mặt Trời, tuy không được cơ quan quản lý cấp phép hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử, nhưng 4 cá nhân thành lập Công ty Tâm Mặt Trời đều tự nhận mình là thành viên của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam. Nhóm này sử dụng 2 website kêu gọi người tham gia mua gian hàng ảo theo hình thức đa cấp. Theo đó, các hội viên phải đóng 6 triệu đồng để sở hữu một gian hàng ảo vô thời hạn. Với gian hàng này, các hội viên được mua hàng ưu đãi, tiếp xúc làm ăn với những người nổi tiếng. Thành viên tham gia mạng lưới nếu giới thiệu được một người tham gia vào hệ thống sẽ được chi 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, các thành viên tham gia dù chờ rất lâu vẫn không mua được hàng hóa nên đã làm đơn tố cáo. Cơ quan điều tra làm rõ, từ khi thành lập đến tháng 10/2012, Tâm Mặt Trời đã mở rộng chi nhánh ở 30 tỉnh, TP, lôi kéo được 39.000 hội viên, bán 23.348 gian hàng ảo, thu số tiền lên tới 122 tỷ đồng. Cuối năm 2012, ông Nguyễn Hoàng Vũ - Tổng Giám đốc cùng hàng loạt lãnh đạo của công ty bị bắt và truy tố hành vi chiếm đoạt tài sản.

Siết chặt hoạt động, nâng chế tài xử lý
Để kiểm tra những DN đã được cơ quan quản lý Nhà nước chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp, người dân có thể tham khảo trên website của Cục Quản lý cạnh tranh, trong đó có công khai danh sách các DN kinh doanh đa cấp hợp pháp và thông tin liên quan đến lĩnh vực này.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, các DN hoạt động kinh doanh đa cấp luôn làm tốt công tác truyền thông,  khuếch trương danh thế khiến nhiều người lầm tưởng. Họ đánh bóng tên tuổi khi chụp ảnh chung với một số lãnh đạo cấp cao làm bình phong hay “thuê” một số cá nhân từng công tác trong quân đội, công an tham gia thuyết trình để tạo lòng tin, lôi kéo người tham gia.

Việc nhiều kênh thông tin vì duy trì nguồn kinh tế nên vô hình trung quảng bá những hình ảnh, nội dung không có sự kiểm chứng khiến cho người dân càng tin tưởng. Với cam kết nếu tham gia làm thành viên của công ty và dụ dỗ được nhiều người khác tham gia sẽ có nhiều tiền hoa hồng đã khiến nhiều người bị sập bẫy. Trong khi đó, những dấu hiệu cấu thành về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải đáp ứng đủ về “định lượng” mới cấu thành tội phạm và hình thức phải rõ ràng, thủ đoạn phải gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Thế nhưng, hoạt động bán hàng đa cấp là lôi kéo người chơi tham gia nên khi cả chùm bị sụp đổ, người ta không thể chứng minh được mình bị chiếm đoạt thế nào.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Phan Đức Quế - Trưởng Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, mô hình kinh doanh đa cấp được thực hiện bởi một hệ thống người tham gia bán hàng bao gồm nhiều cấp, nhiều nhánh và số lượng người tham gia lớn. Đây là hình thức kinh doanh truyền miệng, rất khó kiểm soát về mặt thông tin. Trong khi đó, tốc độ phát triển rất nhanh. Vì vậy, khi xảy ra các vụ việc lừa đảo, sẽ liên quan đến số lượng người tham gia rất lớn và giá trị lừa đảo cũng rất cao. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý rất nhiều vụ việc, thực hiện trên cơ sở mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi.

Các đối tượng vi phạm đều là những DN đa cấp biến tướng. “Trong quá trình quản lý, chúng tôi nhận thấy, có những người biết đây là mô hình bán hàng đa cấp bất chính, tuy nhiên họ vẫn tham gia để trục lợi. Thời gian vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã tích cực tham vấn cho Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, theo hướng thắt chặt lĩnh vực này, nâng cao chế tài xử lý. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ việc, kết hợp với công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân” – ông Quế chia sẻ.

Để phân biệt được công ty kinh doanh đa cấp hợp pháp và bất hợp pháp, ông Phan Đức Quế cũng lưu ý, bán hàng đa cấp bất chính đã được quy định rất rõ ở Điều 48 của Luật Cạnh tranh và Điều 5 của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, về những hành vi cấm đối với DN và người tham gia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần