Kinh doanh giáo dục: Cần cái đầu của doanh nhân và tâm của người thầy

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đầu tư vào giáo dục đào tạo không dễ để khai thác và sinh lợi theo ý muốn. Những người tham gia vào lĩnh vực này vừa phải có cái đầu tỉnh táo của một người kinh doanh và cũng cần một trái tim nóng, một cái tâm của người thầy”. Đây là triết lý kinh doanh đã tạo nên thành công của chị Đoàn Thị Hường – Giám đốc điều hành Hệ thống học Tiếng Anh trực tuyến ESO.

Bén duyên từ một khóa học trực tuyến
Giữ vị trí phê duyệt tín dụng ở một ngân hàng lớn, những tưởng sẽ là bến đỗ an toàn với một người phụ nữ, nhưng chị Hường lại luôn khao khát hướng về một công việc khác mang tính bùng nổ hơn. Đến năm 2014, chị quyết định nghỉ việc để bắt tay vào khởi nghiệp với hệ thống đào tạo Tiếng Anh trực tuyến.
Theo chị Hường, khi còn đi làm, chị từng gặp khó với vốn ngoại ngữ ít ỏi. Tuy nhiên, khi tìm đến các trung tâm để bổ trợ kiến thức thì chị lại chật vật trong việc sắp xếp thời gian giữa công việc cơ quan và gia đình. Tình cờ chị biết đến mô hình đào tạo Tiếng Anh trực tuyến từ nước ngoài, sau khi trải nghiệm học một khóa, chị đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi những lợi ích mà khóa học mang lại. Từ đó chị quyết định phát triển mô hình tương tự tại Việt Nam, để giúp nhiều người có điều kiện học Tiếng Anh hơn. Theo đó thay vì mở các trung tâm đào tạo trực tiếp, chị Hường phát triển ESO theo mô hình đào tạo trực tuyến, 1 giáo viên kèm 1 học viên qua ứng dụng Skype.
 Giám đốc điều hành hệ thống học Tiếng Anh trực tuyến ESO Đoàn Thị Hường.
Ưu điểm của phương pháp này là mọi lứa tuổi đều có thể tham gia học, dù là trẻ em hay sinh viên, người đi làm, thậm chí ngay cả người già. Học viên chủ động được thời gian, không gian và địa điểm. Đặc biệt, người học sẽ không bị xao nhãng chất lượng do quá đông người học giống như các lớp học Tiếng Anh truyền thống.
Tuy nhiên, do là mô hình mới nên việc tiếp cận và thuyết phục khách hàng tin dùng sản phẩm là một trở ngại lớn với chị Hường. Nhiều tháng liền hệ thống không có học viên, trong khi chi phí vận hành lớn. Để giải quyết được bài toán này, ngoài việc nâng cao chất lượng giảng dạy, chị Hường xây dựng các khóa học thử miễn phí để tiếp cận học viên. Từ đó giúp họ thay đổi quan niệm về việc học trực tuyến.
Đi chậm mà chắc
Chọn con đường đi chậm mà chắc, ESO không đổ tiền vào chạy quảng cáo tăng lượng học viên ồ ạt mà để chính những học viên đi trước sẽ marketing sản phẩm họ đã trải nghiệm. Chất lượng tốt thì “hữu xạ tự nhiên hương”, học viên sẽ tự tìm đến. Khi khách hàng đặt niềm tin vào sản phẩm, họ sẽ đồng hành cùng sản phẩm đến cùng.
Bên cạnh đó, chị Hường cũng phát triển công ty theo mô hình hệ thống. Đối tác của hệ thống là những giáo viên, giảng viên, Giám đốc trung tâm ngoại ngữ. Đây đều là những người am hiểu và yêu thích về giáo dục nói chung và đào tạo Tiếng Anh nói riêng. Bằng tâm huyết của mình, họ sẽ tư vấn và có định hướng cho học viên đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất.
Thời điểm này khi cả các ngành nghề đang phải chịu tác động của dịch Covid-19, thì mảng giáo dục trực tuyến đang phát huy được lợi thế. Qua đây đã thay đổi được tư duy, định kiến của nhiều khách hàng đối với mảng đào tạo trực tuyến. CEO ESO khẳng định, đây là thời điểm phù hợp để các đơn vị kinh doanh đào tạo trực tuyến khẳng định mình bằng chất lượng dịch vụ. Điều đó được phản ánh qua lượng học viên của hệ thống ESO tăng đột biến. Nếu như trước khi có dịch, công ty có 20 nhân sự sắp xếp lớp học, thì nay đã phải tăng lên thành 50 người mới đáp ứng đủ nhu cầu.

Hiện hệ thống đào tạo Tiếng Anh ESO đang có 400 đối tác phát triển ở 63 tỉnh, thành trên cả nước. Lượng học viên duy trì thường xuyên là 5.000 người. ESO đã vinh dự lọt top 100 thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017 và đạt danh hiệu Thương hiệu tiêu biểu hội nhập châu Á - Thái Bình Dương năm 2018. ESO phấn đấu đến hết năm 2020, 100% giáo viên của hệ thống sẽ có chứng chỉ giảng dạy quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần