Kinh doanh homestay: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng sản phẩm tham gia kinh doanh theo loại hình homestay tăng trưởng đột biến tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh doanh homestay hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bùng phát dịch vụ homestay
Anh Lê Bình Minh, trú tại tổ 25, phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, anh đang hoàn tất thủ tục hồ sơ nhận thuê một căn hộ rộng 200m2 tại ngõ Phất Lộc, phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để thiết kế kinh doanh theo mô hình homestay. Do đã có hơn 10 năm làm việc trong lĩnh vực lưu trú, khách sạn nên công việc kinh doanh của anh tương đối thuận lợi, việc quản lý homestay cũng không mấy khó khăn.
“Sau khi có thêm căn hộ tại ngõ Phất Lộc sẽ nâng tổng số homestay tôi đang quản lý lên 10 căn, với gần 50 phòng ngủ. Riêng tại ngõ Phất Lộc vì lợi thế nằm trong phố cổ Hà Nội, giá phòng sẽ cao hơn các khu vực khác, tôi dự định giá phòng từ 1 - 1,2 triệu/phòng/đêm dành cho 2 người” - anh Minh cho hay.
 Homestay cần phải có không gian thoáng đãng. Ảnh: Doãn Thành
Thực tế cho thấy, không chỉ riêng gia đình anh Minh mà rất nhiều người làm việc trong ngành du lịch cũng đang rất muốn thử sức mình ở mô hình kinh doanh này. Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, trào lưu homestay đang phát triển một cách chóng mặt, đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.
Số liệu thống kê của Công ty Dữ liệu và phân tích cho thuê ngắn hạn (AirDNA) tại Việt Nam, trong vòng hơn 2 năm (từ 2017 đến nay) số lượng các sản phẩm homestay chỉ tính riêng ở hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2017, có khoảng 8.000 sản phẩm (riêng TP Hồ Chí Minh có 5.000 sản phẩm), thì đến nay đang tăng lên gần 30.000 sản phẩm (trong đó Hà Nội chiếm khoảng 11.000 sản phẩm), tăng khoảng 4 lần so với thời điểm cách đây 2 năm.
Theo ông Vũ Quang Vinh - Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) cho biết, homestay đã được du nhập vào Việt Nam từ lâu, xuất phát từ các cá nhân, hộ gia đình ở những địa điểm du lịch phát triển như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt, Hội An, Sa Pa... Các hộ gia đình, cá nhân mua đất, xây homestay để cho thuê như một nhà nghỉ độc lập có không gian được thiết kế độc, lạ, bắt mắt, dành cho đối tượng chính là nhóm khách hàng trẻ tuổi.
Cẩn trọng với những rủi ro
Chị Trần Ngọc Hà (25 tuổi), mới tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh - Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, tốt nghiệp đại học, chị nhờ gia đình vay cho 300 triệu đồng để kinh doanh homestay (bao gồm tiền nhà trả trước 6 tháng và tiền mua sắm thiết bị nội thất).
Sau một năm kinh doanh “bết bát” do không tìm được người để chuyển nhượng, chị Hà đã phải xin hủy hợp đồng trước 2 năm và bán thanh lý toàn bộ vật dụng, thiết bị nội thất của căn homestay. “Lúc đầu tưởng dễ dàng, nhưng khi bắt tay vào làm mới nảy sinh rất nhiều thứ lặt vặt. Sau mỗi lần khách trả phòng, chính tôi lại phải đi mua sắm từ cuộn giấy vệ sinh, đôi đũa... Người dọn phòng thì liên tục đòi tăng tiền công, thậm chí nhận lời đến làm rồi nhưng không đến, thế là lại phải tự xắn tay vào làm” - chị Hà chia sẻ.
Cũng theo chị Hà, kinh doanh sản phẩm này nhiều khi dở khóc - dở cười, đa phần khách châu Âu đến ở rất có ý thức giữ gìn không gian, tài sản cho gia chủ; còn khách châu Á thì ngược lại, mỗi lần khách làm hỏng đồ thì gia chủ lại phải mất tiền đi mua sắm. Giờ giấc của khách cũng không cố định, nửa đêm, sớm tối bất cứ khi nào có điện thoại là phải có mặt để trao chìa khóa phòng.
“Không chỉ vậy, nhiều khách hàng gọi điện đặt phòng nhưng lại không đến khiến cho phòng bị bỏ trống, có trường hợp khách hàng lặng lẽ bỏ đi mà không thanh toán tiền phòng...” - chị Hà cho biết thêm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh doanh homestay có nhiều tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm thị trường... Ngoài ra, những yếu tố như địa điểm không hợp lý, trang trí không phù hợp, sự thiếu ý thức của khách hàng (hủy lịch, làm hỏng đồ), thiếu giấy phép kinh doanh, chủ nhà yêu cầu tăng giá, đòi nhà... cũng mang đến những rủi ro cho người kinh doanh.
Điều này là hoàn toàn có cơ sở, bởi theo số liệu thống kê của Công ty AirDNA Việt Nam, tính đến hết năm 2018, tổng số sản phẩm homestay được ghi nhận tại thị trường Hà Nội là trên 11.000 sản phẩm nhưng chỉ có khoảng 6.400 sản phẩm là có hoạt động thực sự, số còn lại là hoạt động không hiệu quả hoặc đăng ký nhưng không hoạt động.

"Việc kinh doanh homestay muốn thành công trước hết phải chọn được vị trí đắc địa, ở những địa điểm có nhiều khách du lịch, không gian rộng rãi, thoáng đãng; kèm theo đó là những thiết kế đẹp, độc đáo với nhiều loại hình thiết kế cho từng căn phòng riêng biệt, không nên thiết kế chung theo một khuôn mẫu cho cả căn hộ. Ngoài ra những vật dụng, đặc biệt là vật dụng dành cho công việc nội trợ phải đầy đủ, tiện nghi, bí kíp để giữ chân khách hàng chính là sự tiện nghi của căn bếp." - Ông Vũ Minh Toản - Hiệp hội Khách sạn phố cổ Hà Nội