Kinh doanh online phát triển mạnh mẽ: Bán hàng truyền thống không thể biến mất

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực tế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho thấy bán hàng online là tiến trình chung của bán lẻ thế giới, Việt Nam không nằm ngoài tiến trình đó. Tuy nhiên, lại có xu hướng bán hàng qua sự kết hợp giữa online kênh phân phối truyền thống.

Siêu thị lo mất khách
Những năm gần đây, sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… đã khiến việc mua sắm online không còn xa lạ với người tiêu dùng (NTD). Thị trường mua sắm trực tuyến càng "nở rộ" khi NTD trẻ tham gia mua - bán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ NTD việc mua sắm online đã trở thành thói quen chi tiêu không dùng tiền mặt khi sở hữu trong tay một đến vài chiếc thẻ tín dụng, thẻ ATM, thẻ ghi nợ… giúp họ mua sắm trên toàn thế giới. Kết quả khảo sát của CBRE Việt Nam về xu hướng mua sắm của NTD cho thấy 25% số NTD dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng, 45 - 50% cho rằng, sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính hay điện thoại thường xuyên hơn trong tương lai.
 Ảnh mang tính minh họa.
Chia sẻ về sự cạnh tranh gay gắt giữa kinh doanh online với bán lẻ truyền thống đại diện siêu thị Big C cho biết: Sự bùng nổ của mua sắm online không chỉ làm giảm sức mua của các kênh phân phối truyền thống mà còn lấy mất một lượng lớn khách hàng. “Nếu trước đây, NTD mua hàng phi thực phẩm, đồ dùng, quần áo tại hệ thống bán lẻ truyền thống, thì nay hầu hết đều giao dịch qua những cú lướt và nhấp chuột. Đặc biệt vào những thời kỳ cao điểm như Tết Nguyên đán, lượng hàng thực phẩm được mua qua mạng nhiều hơn mua tại hệ thống siêu thị truyền thống” - đại diện Big C nói.
Cộng hưởng online với offline
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan phân tích, bán lẻ đa kênh là hình thức bán lẻ kiểu mới, kết hợp giữa bán lẻ truyền thống với bán hàng online bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu.
Cụ thể, bán lẻ truyền thống phải thuê mặt bằng, sử dụng nhiều nhân công, đây chính là điểm yếu của loại hình này. Đối với hình thức bán hàng online khách hàng chỉ được xem hình, video, hay xem các bình luận để thẩm định chất lượng hàng hóa. Do đó, bán lẻ đa kênh là hình thức giúp khắc phục những điểm yếu của bán lẻ truyền thống và bán hàng trực tuyến.
Nắm bắt thói quen này, Công ty TNHH Lazada Việt Nam hợp tác với Miniso (chuỗi cửa hàng chuyên về đồ dùng gia đình, phụ kiện cá nhân) qua đó đưa đến người tiêu dùng mô hình mua sắm O2O (online to offline), để trải nghiệm sự kết hợp dịch vụ giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến. Chỉ cần vài cú click chuột đơn giản, Miniso sẽ giao hàng từ những cửa hàng gần nhất của Miniso dựa trên địa chỉ của khách hàng.
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, kênh bán hàng online rất tiềm năng, nhiều triển vọng phát triển, dự kiến trong năm 2020, Sài Gòn Food sẽ đầu tư cho kênh bán hàng online để phát triển thêm thị phần. Trước mắt, trong Tết Canh Tý 2020, khách mua hàng online sẽ được mua thùng sản phẩm Sài Gòn Food gồm các loại sản phẩm đông lạnh với giá rẻ hơn mua trực tiếp tại siêu thị.
Việc bắt tay hợp tác giữa bán hàng truyền thống và bán hàng online sẽ tạo nhiều lợi thế cho khách hàng bởi việc các thương hiệu bán hàng truyền thống với thế mạnh về chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu, hệ thống dịch vụ hậu mãi kết hợp với những nhà bán hàng online sẽ tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, cũng như bảo đảm chất lượng, dịch vụ hậu mãi sản phẩm.

"70% dân số Việt Nam sử dụng các thiết bị di động, vì vậy bán hàng đa kênh (omni-channel) là một phương thức kinh doanh hiệu quả. Amazon, người khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử thế giới đã mua lại chuỗi cửa hàng Whole Foods, một chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm của Mỹ với giá 13,7 tỷ USD. Điều này cho thấy, các ngành kinh doanh truyền thống nếu biết thay đổi hợp thời sẽ không phải rời thị trường sớm." - Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú


"Việc hợp tác giữa online và offline đã, đang và sẽ là xu hướng, bởi nó sẽ đem lại lợi ích cho cả 3 phía người tiêu dùng, nhà bán lẻ truyền thống và nhà bán lẻ trực tuyến. Nếu như chỉ giữ kênh truyền thống thì các nhà bán lẻ sẽ bị giới hạn bởi không gian địa lý và bị mất đi đối tượng khách hàng sinh ra ở thời kỳ bùng nổ của Internet, điện thoại thông minh (hay còn gọn là thế hệ Gen Z).

DN bán lẻ nếu chỉ dựa vào kênh bán hàng online thì sẽ thiếu kênh tương tác với khách hàng và kênh để khách hàng trải nghiệm, tìm hiểu sản phẩm trước khi mua sắm." - Giám đốc Trung tâm Phát triển kinh doanh&thương mại điện tử FPT Digital Retail Ngô Quốc Bảo