Kinh nghiệm khám phá Chùa Hương trong 1 ngày

Bài và ảnh: Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, chùa Hương là một trong những điểm đến du lịch tâm linh hấp dẫn nhất Thủ đô Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị trân trọng chia sẻ tới độc giả kinh nghiệm khám phá Chùa Hương trong 1 ngày.

Bạn có thể đi chùa Hương vào hầu hết thời điểm trong năm. Tuy nhiên, nếu là đi lễ thì từ tháng 1 - 3 âm lịch là thời gian lý tưởng nhất vì diễn ra lễ hội chùa Hương. Trong đó, đặc sắc nhất là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Thời gian này bạn sẽ có cơ hội tham dự những hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng của lễ hội và hòa mình vào trong không khí tưng bừng nơi đây.
 Cổng Tam quan chùa Thiên Trù nằm trong quần thể danh thắng chùa Hương. Ảnh: Hồ Hạ.
Từ trung tâm Hà Nội, bạn có thể đi từ đường Nguyễn Trãi theo hướng đi Hà Đông, đến ngã Ba La Bông Đỏ bạn rẽ trái hướng đi Vân Đình. Sau đó đi tiếp khoảng 40km đến Tế Tiêu hỏi đường vào Chùa Hương rồi chỉ việc đi thẳng là tới nơi.
Chùa Hương là một quần thể kiến trúc nằm theo chuỗi trong thung lũng Suối Yến gồm các di tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
Ban Quản Lý khu di tích thắng cảnh chùa Hương cho biết, về mức phí tham quan thắng cảnh và phí vận chuyển thuyền, đò năm 2018, sẽ không thay đổi mà vẫn giữ nguyên mức phí như năm 2017.
Vé thắng cảnh 80.000/khách cho toàn khu vực di tích thắng cảnh chùa Hương. Vé thuyền, đò 50.000/lượt tuyến chính (Tuyến Hương tích); 35.000/lượt tuyến phụ (Tuyến chùa: Thanh Sơn, Long Vân, Tuyết Sơn).
Những ngày không thu phí tham quan gồm: Ngày Di sản Văn hóa; Ngày 30, mùng 1, mùng 2 tết Nguyên Đán. Ngày lễ Phật Đản (15/04 Âm Lịch).
Vào dịp lễ hội thường đông đúc vì vậy dẫn tới tình trạng phải xếp hàng khá lâu để mua vé, lợi dụng tình hình, vé chợ đen ra đời với giá khá cao, nếu có thời gian thong thả bạn có thể xếp hàng mua vé để tiết kiệm chi phí du lịch.
Nhất là vào những dịp lễ hội, các nhà đò thường có tình trạng nhồi nhét thêm khách ngồi đò gây chen chúc, mất thoải mái, vì vậy bạn nên có thỏa thuận rõ ràng trước khi quyết định thuê đò. Đặc biệt, chú ý an toàn khi ngồi đò, không lôi, đẩy đùa nghịch quá chớn vì ở đây không hề có hệ thống cứu hộ chuyên nghiệp.
Những đặc sản không nên bỏ qua khi đến Chùa Hương gồm: Dê núi, bò rừng, ngựa, nhím, tê tê… Dọc đường từ bến đò cho đến động Thiên Trù có rất nhiều nhà hàng phục vụ với thực đơn khá hợp lý cho bạn lựa chọn, tuy nhiên hãy khảo giá trước để tránh bị chặt chém nếu vào mùa lễ hội.
Chùa Hương có rất nhiều đồ lưu niệm và đặc sản bạn có thể mua về làm quà cho bạn bè: vòng tay, vòng cổ, gương lược, chè củ mài, mơ quả,rau sắng…
Hy vọng, với những kinh nghiệm du lịch Chùa Hương khá cụ thể và chi tiết ở trên sẽ phần nào giúp các bạn có một chuyến đi vui vẻ và bổ ích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần