Kinh nghiệm phát triển trong quá trình đô thị hóa

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình đô thị hóa góp phần đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần giải quyết về hệ thống hạ tầng, an sinh xã hội...

Khu vực châu Á đã có nhiều TP đã đảm bảo được sự phát triển bền vững trong quá trình đô thị hóa, dưới đây là một số kinh nghiệm từ Nhật Bản và Singapore.

Đối với Singapore

Singapore liên tục được các chuyên gia hàng đầu thế giới xếp hạng là đô thị năng sống, phát triển bền vững và sống tốt trên toàn cầu. Đó là một quốc gia có tốc độ đô thị hóa đến “chóng mặt” nhưng lại mang lại cho người dân một cuộc sống chất lượng cao trong khi vẫn bảo toàn việc phát triển bền vững.

Singapore có được cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại và “thân thiện môi trường” như ngày nay, trước hết là nhờ vào quy hoạch tổng thể 1/5.000 có từ rất sớm (năm 1971) và được thực hiện cho đến nay. Quy hoạch tổng thể Singapore có phân ra từng khu nhà cao tầng (trên 10 tầng), cao trung bình (3 - 10 tầng) và thấp tầng (1 - 2 tầng) và có tính đến bảo tồn kiến trúc cổ cũng như bản sắc văn hóa của 4 tộc người (bản địa, Hoa, Malaysia và Ấn Độ). Bản quy hoạch tổng thể cũng thể hiện việc kết nối hạ tầng (nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, điện, điện thoại…) do Nhà nước đầu tư. Do tập trung phát triển ngành công nghiệp sạch nên Singapore xây dựng các khu đô thị vệ tinh để giảm chi phí đi lại, tiết kiệm trong sinh hoạt và giải quyết lao động tại chỗ.
 Singapore là một điển hình trong phát triển đô thị bền vững (Hình minh họa)
Bằng cách áp dụng một loạt các chiến lược “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”…. Singapore hiện đang được che phủ mật độ cây xanh thuộc hạng cao nhất thế giới.

Các không gian công cộng được kết hợp hiệu quả giữa các hoạt động thương mại và giải trí cho người dân. Ngay từ khi triển khai thực hiện quy hoạch chung phát triển Singapore (1960 - 1970), Nhà nước đã có hàng loạt chương trình tuyên truyền cho người dân thực hiện nếp sống văn minh tại các khu công cộng, chung cư cao tầng, từ đó tạo dần thói quen cho người dân sống trong chung cư cao tầng cho tới ngày nay.

Singapore đã ứng dụng chiến lược năng lượng thấp trong các tòa nhà, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Đây chính là chiến lược tổng thể nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và đảm bảo phát triển bền vững. Ứng dụng thiết kế đô thị tiện lợi, dễ dàng tiếp cận và an ninh đô thị để người dân có cảm giác bình an và không phải lo lắng ngay cả khi “đi sớm về hôm”.

Để phục vụ tốt nhất cho người dân, Singapore đã duy trì được hệ thống Chính phủ điện tử ở mức độ cao. Mọi hoạt động của người dân liên quan đến bộ máy công quyền, đều có thể giải quyết thông qua hệ thống điện tử tự động từ trên xuống dưới.

Đối với Tokyo, Nhật Bản

Tại Nhật Bản, quy hoạch được xem là một chương trình quảng bá xúc tiến đầu tư nghiêm túc. Sau khi quy hoạch hoàn chỉnh, sẽ được công bố rộng rãi trước công chúng, đặc biệt về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng. Mục đích của việc này là để các nhà đầu tư và nhân dân cùng tham gia thực hiện.

Điểm đặc biệt nhất trong quy hoạch đô thị Nhật Bản là trong các chương trình phát triển đô thị có quy định tối thiểu 40% dự án phải ưu tiên cho địa phương quản lý thực hiện. Khi quy hoạch được lập nên, cần lấy ý kiến cộng đồng rất nhiều lần, đảm bảo 70% tự nguyện chấp thuận thì quy hoạch đó mới được phê chuẩn.

Các dự án phát triển đô thị gồm: Dự án phát triển khu dân cư đô thị và các dự án xây dựng hạ tầng. Dự án phát triển khu dân cư đô thị được phân thành 2 loại: Dự án phát triển đô thị mới gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế và dự án tái phát triển khu dân cư hiện có.

Việc cấp phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình kiến trúc đều rất được coi trọng. Để hạn chế tình trạng sử dụng đất thiếu kiểm soát, việc cấp phép đầu tư cho tư nhân được kiểm duyệt rất nghiêm ngặt. Các khu vực đã lập dự án khả thi với quy hoạch 1/500 được chuyển tải thành quy chế với các quy định trong sử dụng đất mang tính bắt buộc.

Các quy định về thiết kế kỹ thuật đô thị cho phép mềm dẻo hơn nhưng vẫn tuân thủ theo các quy chuẩn và các quy định của quy hoạch chung đô thị. Chính quyền đô thị tại địa phương triển khai các hạng mục trong quy hoạch được duyệt phù hợp với phân công về quản lý của Nhà nước. Hạ tầng đường sá với ít nhất 4 làn xe, các dự án cải tạo nâng cấp các khu dân cư đô thị có quy mô ít nhất 50ha do cấp tỉnh quản lý thực hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần