Kinh nghiệm quản lý vỉa hè tại các đô thị thế giới - Bài 1: Xử lý nghiêm và đồng bộ

Lan Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi câu chuyện dọn sạch vỉa hè ở Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận thì tại nhiều đô thị, quốc gia trên thế giới, quán xá vỉa hè vẫn tồn tại, thậm chí còn trở thành một nét văn hóa tiêu biểu của địa phương nếu có không gian phù hợp và không ảnh hưởng đến giao thông.

Xử lý nghiêm nhưng vẫn đảm bảo nguồn sống

Khu ẩm thực hay chỗ để xe… đều là vấn đề nóng ở nhiều quốc gia, song mỗi nước, họ đều sở hữu cách thức, phương pháp xử lý riêng, phù hợp với văn hóa, đồng thời vẫn giữ được kế sinh nhai cho người dân. Tại nhiều TP ở khu vực châu Á, bao gồm Bangkok, Bắc Kinh, Seoul… ẩm thực đường phố dường như đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của mỗi người dân, khách du lịch. Tuy nhiên, các quán hàng rong đa phần được bày bán trên vỉa hè, tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của mỗi nước nhưng lại là vấn đề khiến giới chính quyền phải “đau đầu”.

Vỉa hè trên đường phố Singapore được quy hoạch rộng có lợi cho người đi bộ.  Ảnh: AP

Trong số các quốc gia châu Á, Singapore là quốc gia đầu tiên giải quyết tốt vấn đề về quy hoạch vỉa hè. Từ những năm 1950, giới chức Singapore quyết tâm dẹp sạch hàng rong hoạt động trên vỉa hè, đường phố. Các nhà chức trách của Quốc đảo sư tử đã thay đổi chính sách, chủ trương xây dựng chợ cùng khu vực bán hàng rong riêng biệt. Việc bán hàng rong tại Singapore cũng phải đăng ký với chính quyền và cơ quan quản lý. Những người bán hàng rong phải được tập huấn về các quy định an toàn sức khỏe, an toàn thực phẩm trước khi được phép kinh doanh. Trong đó, Singapore đã mở ra khoảng 107 trung tâm ẩm thực với 15.000 gian hàng trên khắp đất nước.

Bên cạnh đó, các trung tâm ẩm thực cũng có nhiều quy định nghiêm ngặt mà những người bán hàng phải tuân thủ, như việc không có quá nhiều gian hàng kinh doanh giống nhau trong một khu hay mức phí mà phần lớn người bán rong phải trả là dưới 1.500 USD. Người Singapore cũng ít khi tấp xe vào các cửa hiệu dọc đường để mua những mặt hàng khác trong cuộc sống, tất cả đều có nơi để bán. Ngoài ra, thương mại điện tử cực kỳ phát triển ở đất nước này cũng giúp hàng hóa được đặt và giao về tận nhà.

Tại Hongkong (Trung Quốc), những quy định về bán hàng rong trên vỉa hè cũng rất chặt chẽ. Việc hạn chế cấp phép cũng như chuyển nhượng giấy phép đã đẩy số hàng rong hợp pháp tại Hongkong từ hơn 50.000 hàng rong vào năm 1974 xuống còn 6.000 như ngày nay. Ở Hongkong, để tránh tình trạng nhếch nhác cho đô thị, chính quyền đặc khu bố trí quy hoạch riêng biệt khu hành chính và khu du lịch. Tại khu hành chính, chủ yếu là các nhà hàng “hạng sang”. Còn tại các khu du lịch, thì nét văn hóa đường phố đa dạng hơn.

Khu Cửu Long của Hongkong vốn nổi tiếng với các khu nhà chung cư cũ, xập xệ, mọc san sát. Để cải thiện tình hình sống của người dân và phát triển của quốc gia, chính quyền đã đầu tư nhiều tiền của để hoạch định lại khu Cửu Long. Những khu nhà ổ chuột bị xóa sổ, thay vào đó là các công viên và địa điểm du lịch nổi tiếng ngày nay. Tại một số tuyến phố được quy định là khu du lịch, đường phố sẽ được quy hoạch dành riêng cho người đi bộ. Các hàng quán không được phép buôn bán hay để cho thực khách ngồi ở vỉa hè. Thay vào đó, sẽ có một nhân viên của cửa hàng cầm thực đơn đứng ở ngoài mời và đưa khách hàng lên dùng bữa ở tầng 2.

Mạnh tay từ quy hoạch

Hầu hết tuyến đường trung tâm ở Singapore đều cấm đỗ xe ở vỉa hè hoặc bên đường. Lòng đường hoàn toàn thoáng đãng, phục vụ lưu lượng xe lưu thông. Trên các tuyến đường vắng hoặc xa khu trung tâm, vẫn có một số bãi đỗ xe ven đường. Tuy nhiên, các điểm đỗ xe này đều tính phí nhằm gây sức ép tài chính lên lái xe. Với những trường hợp đỗ xe không đúng nơi quy định, hình thức xử phạt rất nặng, khoảng hơn 200 USD.

Đa số các nước châu Á hiện nay, bao gồm Singapore, Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đều di chuyển chủ yếu bằng hệ thống tàu điện trên không, tàu điện ngầm (MRT). Tại Hongkong, các tuyến đường của MRT được quy hoạch phủ gần như khắp các địa điểm trong TP. Mọi chỉ dẫn của hệ thống MRT cũng khá chi tiết. Tại mỗi bến đều có bản đồ hướng dẫn cho từng con đường, khu vực muốn tới. Ngay cả việc di chuyển từ sân bay cũng được nối vào trung tâm TP một cách dễ dàng.

Còn tại Singapore, chính quyền Quốc đảo sư tử này không khuyến khích người dân sở hữu phương tiện giao thông riêng. Bởi, họ cho rằng, việc mỗi người dân mua một chiếc xe riêng sẽ khiến lượng phương tiện giao thông tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ xây dựng các tuyến đường. Bên cạnh đó, chính quyền Singapore cũng xây dựng nhiều tuyến đường dành cho người đi bộ, song đồng thời cũng làm gia tăng nền kinh tế nhờ những hoạt động trên các tuyến phố đi bộ.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần