Kinh nghiệm quản lý vỉa hè tại các đô thị thế giới - Bài 3: Không gian công cộng đáng sống

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, vỉa hè hoàn toàn có thể là một nét đặc sắc văn hóa cũng như đóng góp một nguồn thu đáng kể quay lại đóng góp cho việc tái tạo đô thị nếu được quản lý thích hợp.

Kinh nghiệm quản lý vỉa hè tại các đô thị thế giới - Bài 1: Xử lý nghiêm và đồng bộ

Kinh nghiệm quản lý vỉa hè tại các đô thị thế giới - Bài 2: Muốn văn minh phải cứng rắn

Quy định chặt về việc sử dụng vỉa hè

Tại Mỹ, dù ở Thủ đô Washington DC hay tại những TP đông đúc, nhiều nhà cao tầng như New York, đều có người bán hàng rong, có quán vỉa hè hay các xe bán thức ăn đậu trên phố. Tuy nhiên, việc sử dụng vỉa hè được quản lý chặt chẽ. Chính quyền các TP đều đưa ra các chính sách, quy hoạch khu vực bán hàng rong trên các tuyến phố.

Các hoạt động buôn bán, kinh doanh trên vỉa hè đều phải tuân thủ quy định chung của TP. Theo đó, để được hoạt động trên vỉa hè phải có giấy phép và phải trả phí. Hay vào ngày cao điểm có sự kiện đông người, xe bán hàng phải mua chỗ từ nhiều tháng trước. Để đảm bảo không gian đi bộ hợp lý, tháng 8/2016, giới chức thủ đô Washington ra quy định về việc các hộ kinh doanh phải đảm bảo giữ lại 1,5m cho người đi bộ.

Người bán hàng vỉa hè vẫn đảm bảo lối đi cho người đi bộ tại New York, Mỹ. Nguồn: New York Times

Còn New York đã biến Quảng trường Thời đại thành một khu vực phát triển, sầm uất với những xe bán đồ ăn, hàng lưu niệm ven đường... Vào những năm 80 của thế kỷ trước, chỉ có khoảng hơn 4.000 xe bán hàng rong thì hiện tại, con số này đã lên tới 10.000 - 12.000 xe và luôn có khoảng 2.500 người trong danh sách chờ xin cấp giấy phép. Ngay từ những năm 1980, chính quyền TP đã đặt ta một giới hạn về số lượng xe bán đồ ăn được phép hoạt động trên đường phố để hạn chế lượng khói bụi, tiếng ồn có thể ảnh hưởng tới người dân.

Để được phép kinh doanh, mỗi chủ kinh doanh phải trả khoản phí là 200 USD cho giấy phép trong thời hạn 2 năm và được phép gia hạn. Trong khi đó, mức phạt đối với những người kinh doanh không có giấy phép là khá cao so với chi phí xin giấy phép (1.300 USD). Còn nếu muốn sử dụng giấy phép chợ đen, người kinh doanh có thể phải trả khoản phí cao “ngất trời”: 25.000 USD với một giấy phép bán hàng toàn thời gian trong 2 năm. Vì vậy, nhiều người cũng e dè khi tìm đến thị trường giấy phép chợ đen, bởi khoản chênh lệch chi phí quá lớn. Ngoài ra, nguồn thu từ những “gánh hàng rong” tại New York là một khoản không hề nhỏ. Hàng năm, những người buôn bán vỉa hè đã đóng góp 293 triệu USD vào nền kinh tế Mỹ.

Biến vỉa hè thành không gian sống có “cá tính”

Tại các TP lớn của thế giới, vỉa hè không bao giờ bị “phong tỏa” mà luôn được biến thành một phần quan trọng, một nét đặc sắc không thể thiếu tạo nên không gian sống của thành phố.

Ông Fred Kent - Giám đốc Dự án Project for Public Spaces - Dự án Không gian Công cộng (PPS), Mỹ được thành lập từ năm 1975, nghiên cứu về việc lập kế hoạch và quản lý không gian công cộng, đã chia sẻ quan điểm về việc xây dựng và phát triển không gian công cộng.

Theo ông, vỉa hè chỉ để đi lại là “vỉa hè chết”. Vì vậy, cần biến vỉa hè không chỉ là nơi để di chuyển từ nơi này qua nơi khác, mà còn là nơi cộng đồng sinh hoạt, tham gia vào việc tạo dựng đặc trưng văn hóa của một TP.

Cũng theo ông Fred Kent, để xây dựng vỉa hè trở thành không gian sống hoàn chỉnh, cần sự quy hoạch đồng bộ và đảm bảo nhiều yếu tố. Thứ nhất, đó phải là nơi an toàn cho người qua lại; Thứ hai, đó phải là nơi cho hoạt động vui chơi, giải trí, thư giãn, để trao đổi và kết bạn xã hội; Thứ ba, vỉa hè phải mang nét đặc trưng của văn hóa bản địa, mang chiều sâu văn hóa của TP.

Ông gọi quá trình thiết lập không gian công cộng này là “Tạo lập nơi chốn” - Placemaking. Theo đó, các không gian công cộng cần được xây dựng dựa theo nhu cầu và giá trị của cộng đồng tại đó. Đặc biệt, các thành viên cộng đồng phải là trung tâm của quá trình quy hoạch. Đơn cử, TP Buffalo ở tiểu bang New York, cộng đồng nơi đây đã biến khu bờ biển hoang vắng thành một điểm đến hấp dẫn bằng cách đặt 100 ghế tại khu vực, mời các nhà cung cấp ẩm thực đến và tổ chức hàng trăm sự kiện như hòa nhạc, chương trình múa rối hay các lớp Zumba...

Trong khi đó, James Tuma, nhà phát triển đô thị, thành viên Viện Quy hoạch Australia cho rằng, để tối ưu hóa hiệu quả quy hoạch, điều cần làm đầu tiên là xác định ý tưởng rõ ràng, nói các khác là xác định “cá tính” cho quy hoạch. Tầm nhìn của Singapore về "TP trong khu vườn" là một ví dụ về định hướng phát triển rõ ràng. Ông James Tuma cũng cho rằng, vỉa hè hay cả những địa điểm khác nên được coi là một phần trong hệ sinh thái rộng lớn hơn của khu vực, nhấn mạnh đến sự xuyên suốt và đồng bộ trong việc xây dựng “cá tính” cho từng khu vực.

Ngoài ra, việc tạo không gian cho người đi bộ tham gia và gắn kết vào đường phố là không thể thiết. Việc New York được biến thành không gian dành cho người đi bộ hay ở London - nơi vỉa hè được quy hoạch cho xe đạp và đi bộ đã có tác động rõ rệt đối với sự hấp dẫn của các TP, nhà quy hoạch Australia dẫn chứng.
Vi phạm vỉa hè ở các nước đều bị phạt nặng. Mỗi năm, New York thu hơn nửa tỷ USD tiền phạt xe đỗ sai chỗ trong khi Canada phạt 60 USD khi đi xe lên vỉa hè. Nặng tay hơn, chính quyền Ontario đưa ra mức phạt lên đến 2.000 USD hoặc phạt tù 6 tháng với những người không tuân thủ luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần