Kinh nghiệm quốc tế là bài học hữu ích cho Quốc hội Việt Nam

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/12 tại TP Đà Nẵng, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, kinh nghiệm quốc tế là bài học hữu ích cho Quốc hội Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu bế mạc hội nghị
Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) tổ chức.
Hội nghị tập trung thảo luận một số nội dung chính qua các phiên họp như sau: Hội nghị Tổng quan về Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và vai trò của Nghị viện; Giới thiệu Bộ công cụ tự đánh giá Nghị viện và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ý nghĩa đối với Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế; Nhận diện một số thách thức đối với Việt Nam trong thực hiện một số SDGs, khuyến nghị và giải pháp.
Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, những tham luận, ý kiến phát biểu và thảo luận tại Hội nghị đều có nội dung sâu sắc, mang đến nhiều kiến thức, thông tin mới, nhiều đóng góp tâm huyết về những vấn đề cụ thể liên quan đến việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam và việc áp dụng Bộ công cụ nghị viện tự đánh giá.
Đối với Bộ Công cụ tự đánh giá Nghị viện, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng: “Tùy điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển mà mỗi nước có thể xem xét áp dụng ở các mức độ khác nhau. Các chuyên gia quốc tế đã giới thiệu kinh nghiệm của nghị viện một số nước trong việc triển khai Bộ Công cụ này như: Fiji, Serbia, Djibouti, Mali, SriLanka, Bangladesh, Indonexia và đánh giá cao tính thực tiễn và toàn diện của nội dung Bộ Công cụ. Các kinh nghiệm quốc tế sẽ là những bài học hữu ích cho Quốc hội Việt Nam trong việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững và áp dụng Bộ Công cụ tự đánh giá trong thời gian tới”.
Các đại biểu thảo luận tại hội nghị
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chia sẻ thêm: “Việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam còn có nhiều khó khăn và thách thức, do nguồn lực để thực hiện các SDGs là rất lớn, nhất là nguồn lực về tài chính. Hiện nay, Việt Nam vẫn chỉ đang là nước có thu nhập trung bình thấp; cơ sở dữ liệu để đánh giá, phân tích các vấn đề liên quan đến các mục tiêu còn chưa đầy đủ và đồng bộ; hệ thống các cơ quan của Quốc hội chưa có đầu mối trực tiếp phụ trách về SDGs; việc áp dụng một số tiêu chí trong Bộ công cụ để đánh giá việc thực hiện SDGs tại Việt Nam trong nhiều trường hợp còn chưa phù hợp với thực tế, ví dụ như các vấn đề liên quan đến phân bổ ngân sách, giám sát ngân sách… cần được cụ thể hóa cho phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngân sách nhà nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn như vậy, nhưng các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Thực tế, Việt Nam đã luôn là quốc gia tiên phong, và là tấm gương trong việc thực hiện và hoàn thành các cam kết về phát triển bền vững trong cả khu vực và thế giới…”.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và sử dụng Bộ Công cụ có hiệu quả cho các đại biểu dân cử của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội cần tổ chức nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo để tập huấn, cung cấp thông tin… nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND về các Mục tiêu phát triển bền vững; cụ thể hóa hơn nữa các nội dung của Bộ Công cụ để việc áp dụng có tính hiệu quả và khả thi cao tại Việt Nam.
Quốc hội cũng cần có cơ chế giám sát việc thực thi SDGs hiệu quả thông qua việc tổ chức giám sát chuyên đề hoặc lồng ghép trong việc giám sát các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường hơn nữa nhiệm vụ giải trình của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong việc thực hiện SDGs; đánh giá và quan tâm sâu sát hơn nữa các vấn đề thực hiện SDGs ở các địa phương để kịp thời có những giải pháp cho phù hợp; nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị lan tỏa đến mọi người dân và toàn xã hội về lợi ích của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
“Chúng ta khẳng định quyết tâm chính trị của của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, “không có ai bị bỏ lại phía sau” và Việt Nam mong muốn sẽ nghiên cứu sử dụng Bộ Công cụ của IPU để Quốc hội, HĐND thực hiện công tác giám sát một cách hiệu quả”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần