Kinh tế chia sẻ: Tiềm năng và thách thức với Việt Nam

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có hiệu lực kể từ ngày 12/8/2019, Quyết định số 999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ được kỳ vọng tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, từ đề án cho đến thực thi là cả một quá trình không dễ dàng.

Cởi trói mô hình kinh doanh mới
Hiện nay, từ việc đi lại, nghỉ ngơi lưu trú đến hoạt động cho vay… đều đã có những dấu ấn không nhỏ của mô hình kinh tế chia sẻ. Cùng với sự nổi lên của các DN và tổ chức nước ngoài lớn như Uber, Grab, Airbnb... cụm từ "kinh tế chia sẻ" đang được nhắc tới ngày càng nhiều. Đồng thời, kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P); tiền mã hóa, tiền ảo; dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua các ứng dụng...
Tại Việt Nam và các nước trên thế giới, mô hình nền kinh tế chia sẻ được dự báo tiếp tục phát triển mạnh với các quy mô và mức độ ứng dụng khác nhau.
 Ảnh minh họa
Tuy nhiên, việc áp dụng cơ chế thử nghiệm này cho lĩnh vực nào, trong điều kiện nào thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới đang là vấn đề đặt ra.
Cho phép cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) trong triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ là bước đột phá mới trong Đề án Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ…
Sandbox là bộ khung thể chế thí điểm ở một quốc gia hoặc khu vực cụ thể, nó cho phép một số DN triển khai thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong thực tiễn (kết nối thực tế với người dùng) nhưng giới hạn phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý ngành, từ đó đánh giá tác động, xây dựng chính sách.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: “Sandbox chính là cách ứng xử của cơ quan nhà nước đối với những công nghệ mới. Không có sandbox, chúng ta không thể ứng xử với công nghệ mới được, vì khung pháp lý thường đi sau thực tế”.
Có thể thấy, việc cho phép thí điểm sandbox là bước đột phá mới về tư duy, thay thế tư duy “quản được đến đâu, mở đến đó”, “không quản được thì cấm” bằng việc “cái gì không biết quản, nên cho tự phát triển trong một không gian, thời gian nhất định, để bộc lộ vấn đề, sau đó mới hình thành chính sách.
Mới chỉ là điều kiện cần để tăng trưởng kinh tế số
Ủng hộ Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vừa được ban hành, đồng thời đánh giá cao sự cởi mở và hỗ trợ của Nhà nước với loại hình kinh tế chia sẻ, ông Phạm Hữu Ngôn - CEO AhaMove (DN khởi nghiệp công nghệ, cung cấp nền tảng giao hàng nhanh ở Việt Nam) bày tỏ: “Các cơ quan ban, ngành của Nhà nước sẽ đón nhận hình thức kinh tế chia sẻ tích cực hơn để từng bước đưa ra những văn bản hướng dẫn thi hành hợp lý, tạo thuận lợi cho các DN yên tâm tập trung vào bài toán cốt lõi nâng cao chất lượng của mình.
Đặc biệt là các vấn đề liên quan tới thuế, quyền lợi và nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ. Khi có khung pháp lý rõ ràng và sự thống nhất của các cơ quan quản lý, các đơn vị cung cấp nền tảng và người cung cấp dịch vụ sẽ dễ dàng giao kết hợp đồng và trách nhiệm lẫn nhau hơn”.
Thực tế kinh tế số sẽ giúp thị trường cạnh tranh hơn, các loại hình dịch vụ sẽ đa dạng hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời mở ra cơ hội đầu tư cho người lao động. Quyết định mở toang cánh cửa về mô hình và sự chấp nhận, đồng nghĩa với việc các "ông lớn" với nguồn lực lớn, với thế mạnh sẵn có cũng có thể nhảy vào sân chơi. Tuy nhiên, với những DN không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới, sáng tạo có thể sẽ gặp khó, thậm chí phá sản.
Đại diện Tập đoàn Novaon cho hay, để thành công, startup và DN công nghệ Việt sẽ cần 3 yếu tố: Thứ nhất, năng lực công nghệ khủng, vì làm nền tảng. Thứ hai, mô hình mới cần tính sáng tạo và đổi mới rất mạnh. Thứ ba, vì thị trường và mô hình có đối thủ nhiều ông lớn, nên việc lựa chon đối đầu hay chọn ngách cũng là chuyện sống còn.
CEO Clip TV Phan Thanh Giản bày tỏ, Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là sự chuyển biến rất lớn của Chính phủ và có tác động bao trùm nhưng mới chỉ là điều kiện cần, trong khi thực tế có rất nhiều việc phải làm từ nhân lực, vốn đầu tư… Nếu chúng ta không có các hành động quyết liệt thì chính các công ty nước ngoài, các công ty rất mạnh về công nghệ sẽ là nhà cung cấp chính các dịch vụ của nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.

Để chủ trương của Đề án đi vào cuộc sống đóng góp thiết thực cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này, cần phải có hướng dẫn chi tiết về các mô hình kinh doanh nào là kinh tế chia sẻ; các mô hình này sẽ được ưu tiên cụ thể thế nào; cần sự hướng dẫn, hỗ trợ để các DN trong lĩnh vực này hoạt động phù hợp, không bị mất cơ hội thị trường. 

Chủ tịch và sáng lập FastGo Nguyễn Hữu Tuất