Kinh tế Hà Nội 4 tháng đầu năm 2017: Duy trì tốt tốc độ phát triển

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hoàn thiện hiện đại và đồng bộ cơ sở hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên ngành, tích cực thu hút đầu tư của các DN đến từ các quốc gia... Nhờ đó, trong tháng 4, kinh tế TP tiếp tục đạt được nhiều mặt tích cực.

Tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP trong những tháng đầu năm 2017 tương đối ổn định và có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2016. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 4,8% so với tháng 3 và tăng 11,7% so cùng kỳ năm trước, lũy kế 4 tháng tăng 5,9% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực (chiếm tỷ trọng lớn trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo) 4 tháng đạt mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng chung toàn ngành. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ ước đạt 730.088 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ (trong đó, tổng mức bán lẻ ước đạt 170.480 tỷ đồng, tăng 7%).
 Thị trường bất động sản Hà Nội 4 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khởi sắc.   Ảnh: Thanh Hải

Cũng theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu (XK) tháng 4 của TP ước đạt 1.036 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng 3 và tăng 12,4% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng, kim ngạch XK ước đạt 3.603 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ, trong đó XK địa phương ước đạt 2.979 triệu USD, tăng 11,7%. Trong 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đều có xu hướng tăng so với cùng kỳ: Chất dẻo tăng 26%; xăng dầu tăng 26,1%... Hoạt động tín dụng cũng chuyển biến khá, lãi suất có xu hướng giảm so với đầu năm, thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc.

Hà Nội đã triển khai các biện pháp tổng thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Đề ra 10 nhóm thúc đẩy XK, 7 nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh gồm: Cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP; Tiếp tục hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho DN vay vốn; Thực hiện tốt các chính sách tài khóa; Tiếp tục tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản trên địa bàn; Tích cực, sâu sát trong công tác thông tin tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước; Đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN.

Hướng tới mục tiêu thêm 40.000 doanh nghiệp

Theo Kế hoạch số 75/KH-UBND về phát triển DN trên địa bàn TP Hà Nội năm 2017 mới được ban hành, trong năm 2017, số DN thành lập mới dự kiến tăng thêm khoảng 40.000 DN (cao gấp đôi so với năm 2016) đóng góp khoảng 40% GDP của TP, trong đó có khoảng 30 - 35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo. Mục tiêu chung của TP sẽ là phát triển DN về số lượng và chất lượng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm của DN và phát triển DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh…

Để đạt được chỉ tiêu nêu trên, bên cạnh việc triển khai các nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cải cách thủ tục hành chính minh bạch, thông thoáng cho DN phát triển, Hà Nội tập trung triển khai thiết lập cơ chế bình đẳng giữa các loại hình DN trên địa bàn TP trong tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai, tài nguyên. Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến tới các DN; khuyến khích việc hợp tác và chia sẻ công nghệ giữa các DN có quy mô khác nhau…

Thực tế, công nghiệp đang là ngành kinh tế dẫn đầu về nộp ngân sách, thu hút lao động, đóng góp giá trị XK so với các ngành kinh tế khác tại Thủ đô. Hà Nội là địa phương sớm nhận thức về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT); là một trong rất ít tỉnh, thành trong cả nước đã ban hành chính sách đặc thù cho CNHT. Hà Nội đã hình thành các phân nhóm sản phẩm CNHT khá chuyên sâu trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mới, tập trung vào các ngành công nghệ cao như cơ khí, thiết bị điện, ngành điện tử, công nghệ thông tin, ô tô xe máy...

Cũng trong tháng 4, Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Gặp gỡ các cơ quan quản lý, tổ chức, DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đây là hoạt động thiết thực nhằm tăng cường phối hợp, liên kết phát triển giữa các quốc gia, các ngành, tỉnh, TP có tiềm năng du lịch nhằm khai thác các lợi thế, mối quan hệ, sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và trong nước, đúng với mong muốn du lịch Hà Nội sẽ đóng vai trò đầu tàu kéo sự phát triển du lịch chung của cả nước và đến năm 2020, du lịch sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển". Hội nghị sẽ gặp gỡ các nhà đầu tư, DN, đại diện các đại sứ quán, tham tán thương mại… nhằm thu hút đầu tư trong nước và quốc tế giai đoạn 2017 - 2020. Tham vấn công nghệ, kinh nghiệm giải pháp phát triển Hà Nội theo hướng đô thị thông minh, hội nhập và phát triển bền vững. Nhân dịp này, TP sẽ vinh danh các DN, tổ chức trong và ngoài nước có thành tích đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô. Dự kiến, Hội nghị sẽ được tổ chức vào ngày 24/6.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần