Hà Nội: Kinh tế tăng trưởng khá, lạm phát được kiểm soát

D. Tùng - N. Hải - Đức Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Kinh tế - Xã hội 9 tháng năm 2017 của Hà Nội đạt được kết quả toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá; thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư tăng cao hơn so cùng kỳ; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển.

Sáng 13/10, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVI tổ chức Hội nghị lần thứ 10 dưới sự chủ trì của các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội...

Dự hội nghị có đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương... Cùng dự hội nghị còn có đại diện UB MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội của thành phố; lãnh đạo các ban Đảng, Văn phòng Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố; Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ; các ban của HĐND thành phố; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Thủ đô; lãnh đạo các sở, ban, ngành; bí thư các quận, huyện, thị uỷ và đảng uỷ trực thuộc Thành uỷ...

Hội nghị lần thứ mười Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội họp bàn về 4 nội dung quan trọng: Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017; kết quả công tác xây dựng Đảng trong 9 tháng, phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2017 của Thành ủy; thảo luận về kết quả thực hiện khâu đột phá về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”; kết quả sau một năm triển khai thực hiện 8 Chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVI...

 Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVI

 Kinh tế tăng trưởng khá; thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư tăng cao

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017; ước thực hiện cả năm 2017; dự kiến nhiệm vụ trọng tâm 2018. Đồng chí Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017 cho biết, kinh tiếp tục phát triển, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm tăng 8,1%, dự kiến cả năm tăng 8,5%, đạt kế hoạch đề ra.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng đầu năm tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2016 (IIP 9 tháng năm 2016 là 7,11%); trong đó: Chế biến, chế tạo tăng 7,42%, Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước, và điều hoà không khí tăng 8,72%, Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,77%, Khai khoáng giảm 21,83%.

Các ngành dịch vụ duy trì phát triển khá, tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ 9 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2016 (9 tháng 2016 tăng 9,4%); ước cả năm 2017 tăng 10,3%. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn 9 tháng đạt 8.593 triệu USD, tăng 8,7% (9 tháng 2016 giảm 0,4%); trong đó, xuất khẩu địa phương 7.131 triệu USD, tăng 10,7%. Ước cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 11.542 triệu USD, tăng 8% so với năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn 9 tháng đạt 21,95 tỷ USD, tăng 22,6% cùng kỳ, trong đó, kim ngạch nhập khẩu địa phương đạt 9,76 tỷ USD, tăng 22,6%.

Trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đón 17,97 triệu lượt khách du lịch, tăng 9% so cùng kỳ, trong đó: khách quốc tế đạt 3,54 triệu lượt, tăng 23,5% cùng kỳ (số khách quốc tế có lưu trú đạt 2,53 triệu lượt, tăng 22% cùng kỳ); khách nội địa đạt 14,34 triệu lượt, tăng 7% cùng kỳ. Công suất sử dụng phòng khách sạn đạt 59,7%, tăng 4,31% cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 52,96 nghìn tỷ đồng, tăng 14% cùng kỳ.

Thu NSNN trên địa bàn 9 tháng đầu năm đạt 146,4 nghìn tỷ đồng, bằng 71,5% dự toán, tăng 16,2% cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách địa phương 9 tháng thực hiện 41.703 tỷ đồng, đạt 53,6% dự toán. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư NSNN; đã giải ngân 17,1 nghìn tỷ đồng, bằng 51% dự toán.

Ước thực hiện cả năm 2017, thu NSNN trên địa đạt 207.628 tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 15,8% so với thực hiện năm 2016. Chi ngân sách địa phương: 77.262 tỷ đồng; chi đầu tư phát triển 35.894 tỷ đồng, đạt 107,3% dự toán, trong đó, chi XDCB đạt 106,9% dự toán (tăng so với dự toán đầu năm do bổ sung chi từ nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương); chi thường xuyên 41.358 tỷ đồng, đạt 98,3% dự toán.

Đã ban hành và thực hiện Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 30/3/2017 triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 31/3/2017 về phát triển doanh nghiệp năm 2017. Một số sở ngành (Cục Thuế, Cục Hải quan, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư...), các quận, huyện đã tổ chức các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng hiện nay đã đạt 96%, tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 98%.

Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Hà Nội đạt 60,74 điểm (tăng 1,74 điểm), xếp ở vị trí thứ 14/63, tăng 10 bậc so với năm 2015, cao nhất từ trước tới nay. Năm 2016 là năm thứ 4 liên tiếp chỉ số PCI của Hà Nội tăng hạng, cũng là năm đầu tiên Hà Nội bước vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt (vượt ngưỡng 60 điểm). Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 3 cả nước và tăng 6 bậc so với năm 2015.

Nhìn chung, với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, KT-XH 9 tháng đạt được kết quả toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá; thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư tăng cao hơn so cùng kỳ; giá cả thị trường ổn định, lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; “Năm kỷ cương hành chính 2017” có chuyển biến rõ nét; quản lý đô thị được đẩy mạnh, cây xanh, chiếu sáng, chỉnh trang đường phố được đổi mới; quản lý hè phố, vệ sinh môi trường được duy trì, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè giảm cơ bản; xây dựng nông thôn mới tiếp tục triển khai tích cực; quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo; đối ngoại được mở rộng.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2017, đây là thời gian nước rút để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2017. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh để hoàn tất các hợp đồng của năm 2017, chuẩn bị các đơn hàng, các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ Tết Mậu Tuất 2018.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02/6/2017 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 và các văn bản chỉ đạo liên quan, Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm, đồng thời tập trung thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như:

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2017; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu, chi ngân sách; Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, đô thị, đất đai, tài nguyên môi trường.
  Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu báo cáo tại Hội nghị
Tiếp tục xây dựng, củng cố và giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng địa phương, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tích cực thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán thu - chi ngân sách năm 2018 đảm bảo chất lượng.
Kỷ luật 7 tổ chức đảng bằng hình thức Khiển trách
Báo cáo về kết quả công tác xây dựng Đảng của thành phố, đồng chí Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho biết, chín tháng đầu năm 2017 là thời điểm diễn ra nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước trên địa bàn Thành phố như: Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Hội nghị các Quan chức cấp cao APEC lần thứ II, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ... Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực; thời tiết diễn biến phức tạp; bệnh dịch sốt xuất huyết lan rộng.
Bám sát chỉ đạo của Trung ương và nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong “Năm kỷ cương hành chính 2017”, năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, với quyết tâm chính trị cao, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác và triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 
Trong đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị Thành phố đạt được những kết quả về: Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); thực hiện Quy định 55 của Bộ Chính trị (khóa XII) về vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; . Tăng cường chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU gắn với Chỉ thị 15-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; Tập trung chỉ đạo thực hiện, đánh giá kết quả 01 năm thực hiện 08 Chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVI); tổng kết, sơ kết các chủ trương, nghị quyết lớn của Trung ương...

Về công tác kiểm tra, giám sát, Thành uỷ đã chủ động ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2017 theo chỉ đạo trọng tâm của UBKT Trung ương, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; phục vụ chu đáo hoạt động của Đoàn Giám sát 519 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với Thường trực Thành ủy. Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” đối với 16 huyện, thị trên địa bàn Thành phố; về cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện “Năm kỷ cương hành chính 2017” và Kế hoạch 01/KH-BCĐ197 ngày 03/3/2017 của Ban Chỉ đạo 197 về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, lòng đường, vỉa hè và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn Thành phố đối với 10 quận, huyện và 10 sở, ngành Thành phố.

Tổ chức hội nghị tọa đàm với Ủy ban Kiểm tra Trung ương về kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương tại Thành ủy, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Hội nghị đã đánh giá cao ý kiến của các đại biểu thành phố Hà Nội tại cuộc tọa đàm, nhiều ý kiến gợi mở những vấn đề cần thiết, là căn cứ để UBKT Trung ương xây dựng chuyên đề, báo cáo Trung ương. Chỉ đạo xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện Quy định 55-QĐ/TW ngày 10/01/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý

Kết quả thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của UBKT các cấp: Kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, Thành ủy đã chỉ đạo UBKT các cấp tổ chức thực hiện tích cực, quyết liệt, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm tra. UBKT Thành uỷ và UBKT các cấp trong Đảng bộ Thành phố đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 76 tổ chức đảng và 256 đảng viên. Qua kiểm tra đã kết luận 62 tổ chức đảng có vi phạm (chiếm 81,57%)  và 206 trường hợp đảng viên có vi phạm (chiếm 80,46%); tới mức phải thi hành kỷ luật 84 trường hợp (chiếm 40,77% số đảng viên có vi phạm).

Các cuộc kiểm tra khi kết luận đảm bảo khách quan chính xác, chỉ ra khuyết điểm, sai phạm của đảng viên và tổ chức đảng, những trường hợp có khuyết điểm, sai phạm tùy theo mức độ đều phải kiểm điểm nghiêm túc để rút kinh nghiệm hoặc xử lý kỷ luật nghiêm minh, đã có tác dụng góp phần ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp.  

Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng: UBKT các cấp đã kiểm tra được 892 tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; qua đó đã giúp các tổ chức đảng được kiểm tra nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung và công tác kiểm tra, giám sát nói riêng

Kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức đảng cấp dưới: UBKT các cấp đã tiến hành kiểm tra việc thi hành kỷ luật của 599 tổ chức đảng cấp dưới; đã yêu cầu những đơn vị được kiểm tra, rút kinh nghiệm và nghiêm túc khắc phục ngay những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình thi hành kỷ luật, nhất là về thực hiện nguyên tắc, trình tự, thủ tục.

Công tác giám sát tổ chức đảng và đảng viên: UBKT các cấp tiếp tục quan tâm thực hiện nền nếp công tác giám sát thường xuyên tổ chức đảng và đảng viên; công tác giám sát chuyên đề của UBKT các cấp trong Đảng bộ Thành phố đã có nhiều chuyển biến tốt và có hiệu quả thiết thực. Chín tháng đầu năm, UBKT các cấp trong Đảng bộ Thành phố đã tổ chức giám sát được 542 tổ chức đảng và 765 lượt đảng viên, trong đó UBKT Thành uỷ giám sát đối với 59 tổ chức đảng và 142 đảng viên. Qua đó giúp các tổ chức đảng và đảng viên được giám sát nhận ra thiếu sót, khuyết điểm để chấn chỉnh kịp thời, phòng ngừa sai phạm.

Công tác thi hành kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng đã được cấp uỷ, UBKT các cấp xem xét giải quyết kịp thời, đồng bộ, xử lý kỷ luật về đảng đồng thời với xử lý kỷ luật về chính quyền đảm bảo nghiêm minh, bảo đảm đúng quy trình, quy định của Trung ương. Cấp ủy và UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 447 đảng viên bằng các hình thức: Khiển trách 319, cảnh cáo 93, cách chức 04, khai trừ 31 trường hợp; thi hành kỷ luật 07 tổ chức đảng bằng hình thức Khiển trách...

Phấn đấu đến năm 2020, 100% người dân được dùng nước sạch

Thảo luận tại hội nghị, Giám đốc sở công thương Lê Hồng Thăng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại chỉ số tăng trưởng kinh tế của Hà Nội đã đạt 8,1%; hết năm 2017, TP sẽ phấn đấu đạt kế hoạch 8,5%. Tuy nhiên chỉ số gái tiêu dùng của TP lại ở mức 3,5% (kế hoạch đề ra cả năm là 3,1%) do thời gian qua, giá thuốc tăng 35%, giáo dục tăng 10,5%. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của bão lũ, giá nông sản thực phẩm từ nay đến cuối năm cũng có thể tăng cao.

Chỉ số mất điện của TP so với năm 2016 đã giảm từ 20 - 33%; hiện TP đang quyết liệt chi hơn 200 tỷ để đồng bộ hạ tầng cấp điện cho 67 xã.

Ông Lê Hồng Thăng đánh giá, hiện công tác kêu gọi đầu tư trên địa bàn TP vẫn đang gặp những khó khăn nhất định, cần giải pháp mạnh trong 3 tháng cuối năm để tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Đặc biệt là vướng mắc trong đầu tư tại các khu công nghiệp trên địa bàn: huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Khu công nghệ cao Hoà Lạc... Ông Thăng cho biết, vấn đề lớn nhất là vướng mắc trong GPMB, khiến công tác kêu gọi đầu tư còn chậm, chưa đạt kết quả như mong muốn.

“Đề nghị các quận, huyện tiếp tục gặp gỡ, ghi nhận những khó khăn của doanh nhân, khẩn trương chuyển sang các cơ quan chính quyền giải quyết” – ông Thăng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội cho biết, sản lượng điện thương phẩm 9 tháng năm 2017 đạt 12.323,6 triệu kWh, tăng 5.89%. Các chỉ số điện công ghiệp, thương nghiệp đều tăng. Các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện của đơn vị tiếp tục cải thiện.

Bí thư Quận uỷ Hà Đông Lê Cường cho biết, hiện trên địa bàn quận có khoảng 60 toà nhà chung cư, trong đó có 55 toà đã thành lập được Ban quản trị của dân cư. Tuy nhiên mới chỉ có 37 toà được bàn giao một phần hoặc toàn bộ Quỹ bảo trì; đặc biệt 12 toà đang có đơn thư khiếu kiện về viẹc chậm bàn giao Quỹ.

Ông Cường nhận định, hiện chính quyền quận Hà Đông cũng đang gặp khó khăn trong việc làm trọng tài, phân xử mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư các toà chung cư. Một nguyên nhân rất lớn là do hồ sơ xây dựng toà nhà đều do Sở Xây dựng quản lý, Chủ đầu tư cũng không hợp tác cung cấp cho Quận. Do đó khi có tranh chấp trong diện tích sử dụng chung - riêng, xác định con số thực tế Quỹ bảo trì, Quận cũng không thể giải quyết sớm và triệt để.
 Bí thư Quận uỷ Hà Đông Lê Cường phát biểu thảo luận

“Đề nghị Thành uỷ, UBND TP xem xét, yêu cầu Chủ đầu tư khi xây dựng nhà chung cư phải giao nộp đầy đủ hồ sơ đầu tư cho chính quyền địa phương để kiểm soát và lấy đó làm căn cứ, cơ sở để giải quyết khiếu kiện của người dân nếu có” – ông Cường đề xuất.

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi góp ý kiến về kết quả một năm thực hiện 8 Chương trình công tác của Thành ủy, cho rằng, việc lựa chọn 8 chương trình công tác của Thành ủy là trúng và đúng. 8 chương trình này đã quán triệt cơ bản, đầy đủ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI và cũng thể hiện rõ những nhiệm vụ chủ yếu và các khâu đột phá mà Nghị quyết đã nêu ra, kế thừa kinh nghiệm và thành quả của các nhiệm kỳ trước.

Trên cơ sở các Chương trình công tác của Thành uỷ, Quận Hoàn Kiếm đã xây dựng 6 chương trình công tác với 26 đề án. Qua một năm thực hiện, 4 kết quả nổi bật đã đạt được là: công tác xây dựng Đảng được xác định là then chốt; tạo ra bước đột phá về phát triển kinh tế, xã hội; tập trung tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện "Năm kỷ cương hành chính"; bảo đảm tốt an ninh, trật tự và tăng cường quốc phòng

Thảo luận tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng ông Lê Văn Dục cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Sở Xây dựng đã có kế hoạch triển khai thực hiện tất cả những chỉ đạo, kế hoạch, chỉ thị của Thành ủy, HĐND, UBND TP.

"Với phương châm không để sót, không để thiếu việc, tập trung vào những việc phức tạp, bức xúc, sau 9 tháng đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt công tác phối hợp với các sở ngành, quận huyện trong các mảng chuyên ngành đã đáp ứng được yêu cầu và hi vọng trong thời gian tới sẽ đáp ứng được tốt hơn nữa", Giám đốc Sở Xây dựng thông tin.
Ông Lê Văn Dục cũng nêu những kiến nghị TP về chỉ tiêu cụ thể nước sạch nông thôn phấn đấu đến năm 2020 100% dân số Thủ đô đạt những tiêu chí nước sạch; phát triển công tác đảm bảo nguồn nước mặt, giảm khai thác nguồn nước ngầm; giải quyết chống lũ ngập, phòng chống thiên tai...
Minh bạch thuế các loại thuế phí và quá trình thu
Phát biểu kết luận tại phần thảo luận, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2017. Thứ nhất, về việc thu ngân sách. Theo Chủ tịch, hiện nay trên một số quận huyện của TP đã vượt, tuy nhiên nguyên nhân là do thu thu tiền sử dụng đất vượt, còn các chỉ tiêu thu phí và lệ phí, các nguồn thu từ doanh nghiệp tư nhân, khối thương nghiệp chỉ tiêu vẫn còn thấp, từ đó Chủ tịch yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh vấn đề này.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu, thời gian qua nhận được nhiều phản ánh của các ĐBQH sinh hoạt tại địa bàn các cán bộ thuế vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, từ đó Chủ tịch yêu cầu minh bạch thuế các loại thuế phí và quá trình thu.

"Đề nghị Cục thuế Hà Nội quán triệt cán bộ các chi cục thuế, khi thu thuế các hộ kinh doanh trên địa bàn không gây nhũng nhiễu cho các hộ kinh doanh cá thể. Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 4.000 doanh nghiệp FDI đầu tư nhưng 9 tháng qua, chỉ có 966 doanh nghiệp báo cáo có lãi. Phần lớn doanh nghiệp còn lại chỉ hoà hoặc báo lỗ. Lĩnh vực này có nhiều vấn đề chúng ta cần giám sát, kiểm tra chặt chẽ để không thất thoát nguồn thu", Chủ tịch yêu cầu.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay còn rất thấp, Chủ tịch UBND TP yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện có những chỉ đạo liên quan đến giải ngân của các BQL dự án các quận huyện.

Thông tin về việc giải ngân tại 5 BQL dự án trên địa bàn TP, Chủ tịch Chung cho biết: Trên cơ sở bước 1 là nhập tất cả các BQL dự án của các sở lại, bước 2 xây dựng xong đề án vị trí việc làm của các BQLvà giai đoạn 3 sắp xếp lại sẽ giảm các BQL, hiện TP đã rà soát lại tất cả các dự án đã tiếp nhận, hiện còn tồn đọng hơn 400 dự án, những dự án nào không nằm trong chương trình đầu tư công thì yêu cầu dừng lại, những dự án đã xong thì tập trung vào thanh quyết toán và kiểm toán.

Liên quan đến vấn đề chi thường xuyên, Chủ tịch yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ vì tốc độ chi thường xuyên 9 tháng đầu năm mới đạt tỉ lệ mới hơn 50%, tránh tình trạng còn tiền nhưng cuối năm dồn vào chi cho hết.

Về vấn đề đôn đốc các BQL dự án khẩn trương hoàn chỉnh các hồ sơ đầu tư công của giai đoạn 2017 - 2020, Chủ tịch yêu cầu nếu thuộc thẩm quyền các quận, huyện phải sớm trình HĐND các quận huyện thông qua. Nếu thuộc thẩm quyền thành phố mà đến hạn 30/10 đơn vị nào không gửi sẽ cắt.

Về vấn đề xây dựng các dự toán thu chi ngân sách năm 2018, Chủ tịch đề nghị các đơn vị tập trung để đảm bảo chính xác.

Về nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo công tác trật tự đô thị, Chủ tịch đề nghị Giám đốc CATP chỉ đạo các lực lượng CSGT, CSTT, Công an các quận, các phường trong các giờ cao điểm phải xuống hiện trường, các diểm ùn tắc giao thông.

“Các quận huyện tăng cường tuyên truyền ý thức người dân trong việc chấp hành trật tự lòng đường, vỉa hè, chống tái lấn chiếm. Đề nghị các đơn vị quyết liệt, tránh tình trạng như đầu năm Thủ tướng Chính phủ có nêu "làm đầu voi, đuôi chuột", nhất là giai đoạn cuối năm có nhiều sự kiện của các bộ, ban, ngành”, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu.

Liên quan đến vấn đề rác thải, đồng chí Nguyễn Đức Chung đề nghị Bí thư, Chủ tịch thị xã Sơn Tây tiếp tục tuyên truyền, vận động, lên phương án cưỡng chế, không để một số hộ dân làm ảnh hưởng đến việc thu gom rác tại Ba Vì, Sơn Tây. Công an thành phố và Công an thị xã Sơn Tây sớm có phương án bảo đảm an ninh trật tự. Với các đối tượng chây ì, Công an thị xã Sơn Tây phải lập hồ sơ, xử lý hình sự.

Về vấn đề xử lý rác thải rắn, tình trạng đổ trộm rác thải xây dựng, Chủ tịch cho hay, vào thời điểm cuối năm, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã cũng cần tăng cường chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý các trường hợp đổ trộm chất thải rắn trên địa bàn, "nếu bắt được trường hợp nào thì yêu cầu phải dọn tất cả trên địa bàn".

Tiếp đó Chủ tịch đề nghị Công an TP cùng Sở Công thương sớm xây dựng chỉ thị để UBND TP ban hành trong vấn đề chống buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp Tết 2018, đặc biệt là chống buôn bán, vận chuyển pháo lậu.

Trên cơ sở theo dõi tiến độ thực hiện lắp các đường ống nước cung cấp cho các hộ dân trên địa bàn các xã, thị trấn huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chủ tịch tin tưởng đến năm 2020 TP hoàn thành các chỉ tiêu về nước sạch.

Về vấn đề cải cách hành chính đề nghị các đơn vị đôn đốc trong việc rà soát lại các thủ tục, nhất là các Sở, rà soát lại quy trình nếu còn những thủ tục, quy trình, giấy phép con không cần thiết phải mạnh dạn cắt giảm. Phấn đấu từ nay đến cuối năm còn 391 thủ tục liên quan đến dịch vụ công mức độ 3 đề nghị các quận, huyện quan tâm chỉ đạo các xã, phường hoàn thiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần