Kinh tế Hà Nội tăng trưởng cao trên mọi lĩnh vực

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quý 1, GRDP của Hà Nội tăng 7,58%, cao hơn mức cùng kỳ 2017 (6,48%)- đat mức cao nhất theo kịch bản tăng trưởng quý I, đồng thời đóng góp 1,81điểm % vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chia sẻ tại hội nghị “Thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế năm 2018” sáng nay (30/3) do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì.
 Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho biết, trong quý I/2018 nhìn chung các chỉ số đều tăng khá, các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, XNK… đều tăng hơn so với cùng kì. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 8,5% (quý I/2017 chỉ 5,1%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 617.490 tỷ đồng, tăng 12,4% so cùng kỳ, quý 1/2017 tăng 7,1%. Khách quốc tế đến Hà Nội tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ 21,7% so cùng kỳ, đạt 1.137 nghìn lượt người, trong khi quý 1 chỉ tăng 10%.
Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đạt 155 triệu USD với mức tăng 16,9% so trong khi quý I/2017 chỉ tăng 2,1%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 7.922 triệu USD, tăng 15,1% so cùng kỳ (quý I/2017 đạt 16,5%). Bình quân 3 tháng chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,54% so cùng kỳ, trong khi Quý I/2017 tăng 5%.
Thu hút đầu tư xã hội đạt khá, tăng 9,5%. Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 11 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách, tổng mức đầu tư 11.344 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 11 dự án, trong đó 7 dựa án tăng vốn 1.439,2 tỷ đồng; thu hút 400 triệu USD vốn đầu tư FDI; cấp giấy chứng nhận cho 5.010 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký gần 50.000 tỷ đồng (tăng 8% về vốn so với cùng kỳ năm trước).
Về thu ngân sách, quý I/2018, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố ước đạt 58.088 tỷ đồng tăng 12,3% so với cùng kì và 24,4% dự toán.
Phấn đấu tăng trưởng năm 2018 trên 7,4%
Về kế hoạch năm 2018, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản cho biết, căn cứ vào kết quả tăng trưởng năm 2017, chỉ tiêu và nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, UBND TP đã xây dựng kịch bản tăng trưởng 2018 của thành phố Hà Nội trong đó quý sau cao hơn quý trước. Trong đó, dịch vụ tăng 6,9-7,5%; công nghiệp-xây dựng tăng 8,2-8,7%; nông nghiệp tăng 2,0-2,5%).
“Năm 2018, kế hoạch đặt ra tăng trưởng là 7,3-7,8%. Với những kết quả khả quan của Quý I/2018, TP Hà Nội dự kiến tăng trưởng sẽ đạt kế hoạch và cố gắng đạt trên mức 7,4%”, lãnh đạo Hà Nội chia sẻ.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, báo cáo của UBND TP Hà Nội nêu rõ: Trong quý II và những tháng tiếp theo Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chủ đề của Chính phủ là “Kỉ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả” và thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ, đồng thời quyết liệt thực hiện Chủ đề 2018 của Thành phố “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị” và Chương trình hành động của Thành phố với 18 nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thành phố để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm gia công, lắp ráp, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, thành lập các cụ công nghiệp trên địa bàn, tăng cường thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp dân doanh; Về dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển các dự án hạ tầng logistic, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối…Tập trung phát triển du lịch thành mũi nhọn gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống.
Xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với thương hiệu Thủ đô; số hóa điểm du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D; Về nông nghiệp, nâng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lên 28%. Chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và các tỉnh thành đẩy mạnh tiêu thụ hàng nông sản vào các thị trường thế giới.
Thứ hai, Thành phố tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI, khắc phục những chỉ số có xếp hạng thấp (gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, chi phí không chính thức, môi trường cạnh tranh bình đẳng). Khuyến khích hỗ trợ thúc đẩy DN khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo để tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư, tạo động lực cho tăng trưởng. Phấn đấu vốn đầu tư xã hội tăng từ 10.5-11%; Số DN thành lập mới tăng từ 12% trở lên. Tổ chức đối thoại với DN ở cá cấp , ngành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN.
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường đôn đốc thu nợ thuế, tiền sử dụng đất. Chỉ đạo chi ngân sách đúng luật, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư XDCB, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ trọng các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương trong những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô.
Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch Hà Nội bày tỏ, Thành phố mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Chính phủ trong cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải quyết các thủ tục đầu tư nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn hơn nữa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần