Kinh tế Hà Nội tăng trưởng mạnh trong quý I: Bước chuyển tích cực về môi trường kinh doanh

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quý I, GRDP của Hà Nội tăng 7,58% cao hơn mức cùng kỳ năm 2017 (6,48%), đạt mức cao nhất theo kịch bản tăng trưởng quý I, đóng góp 1,81điểm % vào tăng trưởng GDP của cả nước. Cùng với đó thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư tăng cao hơn so cùng kỳ; giá cả thị trường ổn định; lạm phát được kiểm soát; an sinh xã hội được đảm bảo; sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển...

 Dây chuyền sản xuất tại Công ty Năng lực Việt tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Công nghiệp chủ lực, dịch vụ, thu hút đầu tư tăng
Các lĩnh vực xuất nhập khẩu, công nghiệp,dịch vụ tiếp tục phát triển, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của TP. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 8,5%. Các DN xây dựng vẫn giữ được đà phát triển, những công trình, dự án phát triển hạ tầng, phát triển đô thị đang thực hiện đã được chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung triển khai thi công ngay từ những ngày đầu năm.

Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng của Hà Nội đạt 155 triệu USD với mức tăng 17% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 3 tháng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 617.490 tỷ đồng, tăng 12,4%; lượng khách quốc tế tăng 21,7% so với cùng kỳ, đạt 1.137 nghìn lượt người; thu hút 400 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI; cấp giấy chứng nhận cho 5.010 DN thành lập mới, tổng vốn đăng ký gần 50.000 tỷ đồng (tăng 8% về vốn so với cùng kỳ năm trước).

Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn 3 tháng vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng tốt, huy động vốn và dư nợ tín dụng đều tăng so với cùng kỳ. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tập trung vào sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Tổng thu ngân sách quý I/2018 trên địa bàn ước đạt 58.088 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ và 24,4% dự toán. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3 tháng tăng 2,54% trong khi cùng kỳ tăng 5%.

Trong quý I nhiều Dự án đã hoàn thành đi vào sử dụng như cầu Mỹ Hòa hoàn thành ngày 3/2/2018 sau gần 15 tháng thi công, rút ngắn tiến độ so với hợp đồng đã ký là 5 tháng. Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội đã chính thức khai trương tòa nhà khám chữa bệnh chất lượng cao với quy mô 250 giường bệnh cao cấp và 6 phòng khám theo yêu cầu cùng nhiều trang thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân và giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên…
 Dây chuyền sản xuất tại Công ty Năng lực Việt tại Khu công nghiệp Nam Thăng Long. Ảnh Thanh Hải
Tiếp tục những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Cùng với mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 đạt từ 7,3 đến 7,8%, vốn đầu tư xã hội tăng từ 10,5 đến 11%, thu ngân sách tăng 20%, Hà Nội cũng đặt mục tiêu số DN thành lập mới tăng từ 12%. Phó Chủ tịch UBTND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản chia sẻ, với những kết quả khả quan của quý I/2018, TP Hà Nội dự kiến tăng trưởng sẽ đạt kế hoạch và cố gắng đạt trên mức 7,4%.

Trong đó, TP tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm gia công, lắp ráp, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Về dịch vụ, thu hút đầu tư phát triển các dự án hạ tầng logistic, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối… Tập trung phát triển du lịch thành mũi nhọn gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống.

TP tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; tổ chức đối thoại với DN ở các cấp, ngành để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; công tác quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, đô thị, đất đai, tài nguyên môi trường.
Hà Nội từng bước hình thành các điều kiện để phát triển TP thông minh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, giải pháp xây dựng chương trình Chính phủ điện tử, nhằm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, hấp dẫn…

Trong quý I/2018, thu hút đầu tư xã hội của Hà Nội đạt khá, tăng 9,5% . TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư 11 dự án vốn đầu tư ngoài ngân sách, tổng mức đầu tư 11.344 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 11 dự án, trong đó 7 dựa án tăng vốn 1.439,2 tỷ đồng.

Hà Nội tiếp tục đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư XDCB, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: Mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long; Xây dựng cầu vượt nút giao An Dương- đường Thanh Niên; Đường Vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu…), kiên quyết thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản
Dư địa cho tăng trưởng của Hà Nội còn dồi dào, tiêu dùng, dịch vụ còn nhiều tiềm năng. Thị trường BĐS với phân khúc nhà ở, văn phòng, hạ tầng… hứa hẹn cơ hội rất lớn cho các chủ đầu tư. Các lĩnh vực đầu tư, thương mại sẽ phát triển lên tầm cao mới. Hà Nội cần hoàn thành đúng tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, xác định rõ các ngành, vùng kinh tế trọng điểm để dành nguồn lực phát triển mang tính đột phá…

TS Lê Đăng Doanh
Điểm mạnh của Hà Nội là cải thiện chi phí thời gian cho DN, chỉ số đào tạo lao động cũng vào nhóm cao nhất nước. Với môi trường thân thiện, bình đẳng và minh bạch mà Hà Nội đang hướng tới, bản thân các DN sẽ là đối tượng giúp thực hiện được mục tiêu tăng trưởng cho Hà Nội. 

TS Nguyễn Minh Phong