Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế năm 2019: Đối mặt nhiều thách thức

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018 tăng trưởng GDP khá cao, nhưng GDP quý I/2019 bắt đầu chững lại.

Nhiều chuyên gia nhận định, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ gặp nhiều thách thức lớn bởi tình hình kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, khó lường và những khó khăn nội tại của nền kinh tế.
Tăng trưởng quý I không đạt mục tiêu
Tại Hội thảo Khoa học “Đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019” do trường Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD) tổ chức sáng 25/3, GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học KTQD cho biết: Phân tích kỹ các chỉ số kinh tế vĩ mô của năm 2019 sẽ thấy những yếu tố khó khăn bắt đầu xuất hiện.
 Sản xuất các thiết bị điện tử tại Công ty TNHH SYNOFEX Việt Nam. Ảnh: Danh Lam
Đầu tiên là việc tăng trưởng xuất nhập khẩu chưa được như kỳ vọng. Trong 2 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu chỉ ước đạt 36,68 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2018. Chưa kể nhập siêu đã bắt đầu quay trở lại, với con số ước tính của 2 tháng là 84,5 triệu USD…
Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế. Trong khi đó, nhiều dự báo không mấy lạc quan về kinh tế thế giới với mức tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn yếu tố khó lường.
Không chỉ là tác động từ kinh tế thế giới, việc tăng trưởng trong nước phụ thuộc vào khối DN nước ngoài (FDI) cũng là thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2019. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lo ngại, thách thức lớn nhất phải đối mặt là tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, nếu các tập đoàn này không phát triển hoặc gặp khó thì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.
Dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng trên cơ sở số liệu 2 tháng đầu năm, Bộ KH&ĐT dự tính, tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 6,58%. Con số này tuy cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2016, 2017, nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 và thấp hơn mục tiêu theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ (6,93%).
Với dự báo quý I tăng trưởng chỉ 6,58%, để đạt tốc độ tăng trưởng cả năm 6,8% trong năm 2019, Bộ KH&ĐT cập nhật lại tốc độ tăng trưởng 3 quý còn lại lần lượt phải là: 6,77% - 7,13% - 6,7%. Điều này có nghĩa nền kinh tế Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Giải tỏa khó khăn, ách tắc cho DN
Theo các chuyên gia, động lực tăng trưởng cho năm 2019 và những năm sắp tới phải xuất phát từ nội lực thực sự của nền kinh tế. Bao gồm thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, khu vực kinh tế tư nhân và cách mạng công nghiệp 4.0. Trước mắt là giải quyết ngay những quy định gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, có thể dùng chính sách giảm thuế để khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Hiện còn khá nhiều chính sách thuế bất hợp lý, tạo ra rào cản đối với DN. Ví như Nghị định 20/2017/NĐ-CP giới hạn chi phí lãi vay hợp lệ chỉ ở mức 20%, nếu vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế, quy định này là không phù hợp với thực tiễn của DN Việt Nam nhất là trong bối cảnh TTCK vốn của ta chưa phát triển. Hay như cải cách thuế của Việt Nam đang bị xếp thứ 131/190 quốc gia trong bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm qua là quá thấp.
Bên cạnh các giải pháp trong ngắn hạn, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn như cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tăng cường thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển…
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, đi kèm quyết tâm của Chính phủ, phải là sự quán triệt một cách nghiêm túc quyết tâm đó đến các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN. Và hơn hết, phải là sự triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, mà trước hết và quan trọng nhất là các giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ.

"Có thể nói CPI quý I không có gì đột biến, chỉ số vẫn ở mức thấp, nhưng cảnh báo trong quý II và thời gian tới sẽ có biến động. Tổng cục Thống kê đưa ra mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 3,6 - 3,9% nhưng đó là tính toán trong điều kiện chưa tính đến các điều chỉnh về giá điện, giá xăng dầu... Theo tính toán giá điện tăng sẽ tác động làm tăng từ 0,29 - 0,31% CPI. " - Chuyên gia Ngô Trí Long


Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019, đã được Bộ KH&ĐT hoàn thành, đưa ra lấy ý kiến. Một nội dung quan trọng trong dự thảo đó là Chính phủ “quyết tâm, kiên định, nhất quán” phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 là 6,8%.