Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kinh tế thế giới hậu Covid-19] Bài 2: Tận dụng toàn cầu hóa

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cái chết đen đã lây lan bởi những con chuột trên các tàu buôn Á - Âu, hay căn bệnh đầu mùa bắt đầu tấn công Tân thế giới trong thời kỳ trao đổi Columbus. Để thấy vì sao đi lại dễ dàng, tự do thông thương bị "đổ lỗi" khiến Covid-19 nhanh chóng thành đại dịch. Nhưng lịch sử cũng chứng minh một điều rằng không vì vậy mà xu hướng toàn cầu hóa bị đảo ngược.

>> Bài 1: Thoát khỏi "sự quyến rũ" Trung Hoa

Thương mại và du lịch quốc tế bị ngưng trệ vì Covid-19 rõ ràng không thể hồi phục chỉ sau vài ngày, thậm chí vài tháng, mở cửa biên giới trở lại của các nước. Nhưng thực tế là ngay cả trước khi có virus, đã có những dấu hiệu thụt lùi khiêm tốn của tiến trình toàn cầu hóa.
Năm ngoái, thương mại toàn cầu đã giảm ở mức chưa đến 1% - không quá lớn nhưng tương đương khoảng 19.000 tỷ USD. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc bắt đầu từ hè năm 2018, với tác động kép của thuế quan và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, được cho là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự hội nhập.
Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Mỹ cho thấy, tổng giá trị thương mại hàng hóa giữa 2 nước đã giảm từ 630 tỷ USD năm 2017 xuống còn 560 tỷ USD vào năm 2019. Tuy nhiên ít ai nhận ra, mức sụt giảm này chỉ đưa Mỹ và Trung Quốc trở lại mức thương mại năm 2013, gần gấp 5 lần so với năm 2001. Nói vậy để thấy, ngay cả sau 2 năm căng thẳng toàn diện giữa 2 cường quốc kinh tế thế giới, số liệu đặc trưng cho thấy toàn cầu hóa bị móp méo vẫn chỉ ở mức "có như không".
Trong một nhận định về tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới, Pascal Lamy - cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại không hẳn là một bước ngoặt, mà chỉ là giai đoạn tiếp theo của chuỗi các sự kiện diễn ra liên tục trong 10 - 15 năm trở lại đây. Nó bao gồm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thảm họa sóng thần Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản hay cả những biến cố về giá nhân công tăng - đặc biệt là tại Trung Quốc - thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Tất cả những điều đó không báo hiệu sự kết thúc của quá trình toàn cầu hóa, mà là tạo ra những nhịp điệu hoặc hình thức mới”, ông Lamy nói. Như vậy, phải chăng câu hỏi đáng đặt ra đối với toàn cầu hóa thời kinh tế hậu Covid-19 không phải là khả năng đảo ngược tiến trình này, mà là mức độ đại dịch tác động đến nó?
Trước hết, thế giới được cho sẽ không trở lại thời kỳ mà toàn bộ các quy trình sản xuất nằm trọn trong một nước, hay nói cách khác là quay trở lại thời kỳ "phi toàn cầu hóa". Chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19 được cho sẽ hướng đến khả năng chống chọi những rủi ro mà dịch bệnh hay thiên tai tương tự có thể xảy ra trong tương lai, thông qua việc phân phối lại sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ của các quốc gia, DN. (Tìm hiểu thêm tại đây)
Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi việc nhiều nước sẽ tiếp tục thu mình lại - một xu hướng đã manh nha từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, và đến nay vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt trên bình diện chính trị. 2 ví dụ điển hình hiện nay là chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, với chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết”, và sự kiện Brexit - Anh rời EU.
Đến thời điểm này, cả 2 trường hợp này chưa cho thấy bất cứ thành công rõ ràng nào về kinh tế, phần nào minh chứng cho nhận định rằng biểu hiện nói trên vẫn bị hạn chế bởi mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, khiến cho việc tái tập trung sản xuất về một quốc gia của nền kinh tế trở nên cực kỳ đắt đỏ.
Và chính giữa cuộc khủng hoảng Covid-19, sự phối hợp toàn cầu vẫn diễn ra trong cộng đồng y tế và khoa học thế giới, khi các nước sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm về virus để nhanh chóng tạo ra các phương pháp kiểm tra và điều trị kịp thời. Từ đó để thấy, nếu bệnh tật trong tương lai tiếp tục lây lan theo tuyến đường thương mại toàn cầu, có cơ sở để trông đợi vào nguồn tài nguyên và tri thức chung có thể giúp đánh bại chúng.
Tại Liên minh châu Âu (EU), nơi đã bị chỉ ra nhiều biểu hiện chuệch choạc khi vốn là điển hình của sự hội nhập, cơn co thắt Covid-19 dường như đã khơi dậy lại tinh thần đa phương kết nối. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây công bố chương trình mua trái phiếu chung trị giá 750 tỷ euro, dự báo một tương lai đẩy mạnh chi tiêu để phục hồi của các chính phủ châu Âu.
Rõ ràng, đại dịch Covid-19 là thảm họa bất ngờ đối với mọi quốc gia chưa được chuẩn bị, nhưng chính bằng việc khai thác toàn cầu hóa một cách thông minh hơn, thay vì đổ lỗi để quay lưng lại với nó, cá nhân mỗi quốc gia sẽ nhận thấy khả năng phục hồi được tăng cường mạnh mẽ.
Bài tới sẽ khái quát xu hướng ứng dụng công nghệ, tự động hóa sản xuất, đến từ những thúc đẩy trong những ngày gián đoạn vì đại dịch, kỳ vọng mang đến sự phục hồi nhanh chóng cho nền kinh thế giới hậu Covid-19. Nhưng liệu ở đó, người lao động và việc làm có trở thành gánh nặng cho các quốc gia?