Kinh tế thế giới trước "cơn bão" Covid - 19: Tác động đa diện

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù vẫn còn quá sớm để đánh giá triển vọng của thị trường toàn cầu, song dịch Covid - 19 gây ra ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm khoảng 17% GDP và đóng góp khoảng 33% tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, để lại tác động đa diện về kinh tế, không chỉ cho quốc gia này, mà còn cả thế giới.

GDP toàn cầu có thể giảm khoảng 0,3 - 0,7 điểm %
Chính phủ Trung Quốc dự báo, dịch Covid-19 khiến kinh tế nước này giảm 0,3 điểm %, xuống còn 5,8% năm 2020. Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) ước tính, dịch bệnh Covid-19 có thể làm Trung Quốc giảm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP thực tế trong năm 2020, thậm chí sẽ chỉ còn tăng trưởng 5,9 - 4,9% GDP; trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch và vận tải (hàng không và công ty lữ hành); nền kinh tế Trung Quốc có thể bước vào trạng thái “ngủ đông”…
Hiện hơn 300 trong tổng số 500 tập đoàn hàng đầu thế giới đang đầu tư tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Nhà sản xuất ô tô Honda Motor cho biết sẽ hoãn khởi động trở lại hoạt động sản xuất tại nhà máy của hãng ở tỉnh Hồ Bắc. Toyota Motor sẽ kéo dài thời gian đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc.
 Xe chở nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh: Nguyễn Mạnh
Trước bối cảnh đó, theo một số nghiên cứu của Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS… dịch bệnh Covid -19 có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3 - 0,7 điểm % năm 2020.
Theo phân tích của trang Nikkei Asian Review và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản dựa trên số liệu từ Ủy ban châu Âu, nếu sản lượng chế tạo của Trung Quốc giảm 10 tỷ USD thì Hàn Quốc thiệt hại đến 500 triệu USD, các quốc gia và vùng lãnh thổ của thế giới có thể lên đến khoảng 6,7 tỷ USD; nếu khi tính đến cả ảnh hưởng gián tiếp có thể lên đến khoảng 65 tỷ USD.
Mỹ chịu tác động bởi sự gián đoạn nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc (Apple phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc cho các sản phẩm như điện thoại thông minh); Đài Loan (Trung Quốc) là nhà cung cấp chính các linh kiện điện tử cho Trung Quốc và hoạt động thương mại với đại lục chiếm đến 36% tổng kim ngạch thương mại của Đài Loan. Con số này với Hàn Quốc là 28%, của Nhật Bản là 22%, của Đức là 6%...
Viện Nghiên cứu Daiwa dự báo, trong kịch bản lạc quan nhất, nếu Covid -19 được chặn đứng trong vòng ba tháng tới, dịch bệnh này vẫn sẽ khiến Nhật Bản thiệt hại hơn 9 tỷ USD và khiến GDP của nước này giảm 0,14% trong năm 2020 do du khách Trung Quốc tới nước này có thể giảm 1 triệu lượt.
Số lượng các chuyến bay định kỳ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã giảm 60%. Khi dịch bệnh kéo dài một năm, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ giảm mạnh và GDP của Nhật Bản giảm gần 1% (ít nhất cũng giảm gần 0,5% theo Viện Nghiên cứu Nomura) trong kịch bản lạc quan nhất là Covid -19 được kiềm chế trong một vài tháng tới.
Giá dầu thế giới cũng chạm mức thấp nhất trong hơn một năm qua do nhu cầu tại Trung Quốc suy yếu bởi Covid-19. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/2, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 75 xu Mỹ (1,5%), xuống 49,57 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 7/1/2019.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng hạ 1,2 USD (2,2%), đóng cửa ở mức 53,27 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 28/12/2018. Giá dầu thế giới đã mất hơn 25% kể từ mức đỉnh xác lập hồi tháng 1/2020, kéo giá dầu WTI của Mỹ xuống dưới ngưỡng 50 USD/thùng.
Dịch bệnh Covid - 19 đã khiến thị trường chứng khoán nhiều nước giảm điểm, kể cả ở Mỹ, khiến vàng và đồng USD, đồng yên Nhật, trái phiếu Chính phủ Mỹ… có xu hướng tăng giá.
Nhìn chung, dịch bệnh Covid -19 đang và sẽ tác động ngày càng tiêu cực và toàn diện đến đời sống kinh tế quốc gia và quốc tế, nhất là những nước có người nhiễm bệnh và các quốc gia khác có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước này.
Sẵn sàng các kịch bản
Ngoài những tác động nhất định đến xã hội, như học sinh nghỉ học, tạm dừng hoặc thu hẹp các hoạt động lễ hội, tụ tập đông người; sự tăng giá một số vật tư y tế, vận tải, bán lẻ, đầu tư, tài chính - ngân hàng…, dịch bệnh Covid -19 đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động kinh doanh du lịch, tiêu thụ nông sản… vốn là những thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời, dịch bệnh sẽ làm chậm lại tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Lượng khách du lịch từ Trung Quốc (chiếm tới hơn 30% tổng lượng khách quốc tế và đóng góp khoảng 32,2% thu nhập từ khách quốc tế của ngành du lịch Việt Nam) giảm khiến GDP của Việt Nam có thể giảm 0,37 điểm %. Vận tải hàng không (với lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam chiếm 70% năm 2019), doanh thu và lợi nhuận có thể thiệt hại hàng trăm triệu USD…
Tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam với Trung Quốc năm 2019 đạt 116,87 tỷ USD. Từ 29/1/2020, Trung Quốc thực hiện tạm dừng thông quan, tăng cường quản lý và siết chặt các cửa khẩu như một biện pháp ngăn chặn sự lan rộng của dịch Covid-19. Hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông - lâm - thủy sản… sẽ còn khó khăn.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng đầu tiên của năm Canh Tý 2020 chỉ đạt 8,29 tỷ USD, giảm khoảng 2,86 tỷ USD so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 12/2019 (đạt 11,15 tỷ USD)…
Theo Công ty chứng khoán SSI, dù lạc quan đến mấy thì 9 ngành có thể chịu tác động tiêu cực từ dịch virus corona (bao gồm may mặc, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay, hàng không); 4 nhóm ngành được tâm lý thị trường kỳ vọng sẽ tích cực (gồm ngành dược, công nghệ thông tin, điện và nước sạch) và 10 nhóm ngành khác có thể sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi virus corona, như ô tô, bất động sản thương mại, khu công nghiệp và các ngành liên quan (như xây dựng, thép, xi măng), bảo hiểm, sữa, phân bón…
Trong khi đó, theo Ngân hàng ANZ, một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc cũng sẽ chịu tác động tiêu cực do thiếu nguyên liệu đầu vào, gián đoạn chuỗi cung ứng, nếu tồn kho và nguồn thay thế hạn chế. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 tại Việt Nam với 2.875 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 16,3 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam.
Dịch bệnh sẽ làm ảnh hưởng đến một số dự án, DN do Trung Quốc làm chủ thầu hoặc chủ đầu tư sử dụng số lượng lớn chuyên gia và lao động Trung Quốc do bị hạn chế trở lại Việt Nam phòng lây lan dịch Covid -19. Ngoài ra, một số DN FDI lớn, như Samsung, LG, Formosa, Apple, Toyota, Honda… có thể gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu và nhân lực đầu vào nhập từ Trung Quốc.
Được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, thị trường chứng khoán đã chứng kiến những tác động của dịch Covid -19 với sự trầm lắng vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2020; Chỉ số VN-Index giảm có lúc trên 5,5% và có thời điểm thủng đáy 900 điểm. Trong khi đó tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng (tính đến hết ngày 10/2/2020 tỷ giá trung tâm tăng 0,24%, tỷ giá giao dịch tăng 0,3% so với đầu năm).
Từ những thực tế trên, các DN Việt Nam cần lường trước tình huống để có giải pháp thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh, giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu (đặc biệt là tận dụng các cơ hội từ những hiệp định thương mại song phương, các FTA đặc biệt là EVFTA sẽ có hiệu lực trong thời gian tới) hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.

Dịch bệnh Covid - 19 đang và sẽ tác động ngày càng tiêu cực và toàn diện đến đời sống kinh tế quốc gia và quốc tế, nhất là những nước có người nhiễm bệnh và các quốc gia khác có quan hệ kinh tế chặt chẽ với các nước này.