Kinh tế toàn cầu 2016 - Tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viễn cảnh chung cho năm 2016 là kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục xuống dốc và Mỹ tiếp tục dẫn đầu nhóm các quốc gia phát triển.

Ngoài ra, nhu cầu thế giới yếu khiến lãi suất, giá dầu và các hàng hóa khác có khả năng tiếp tục duy trì ở mức thấp. Điểm đáng chú ý là các chuyên gia cho rằng, kinh tế thế giới đang tập hợp các dấu hiệu cho một cuộc khủng hoảng mới.
Kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những hiểm nguy  được cho là trầm trọng.
Kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những hiểm nguy được cho là trầm trọng.
Trong dự báo mới nhất công bố cuối năm 2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống khoảng 3,3% năm 2016, từ mức 3,6% trong lần dự báo trước đó.

Các chuyên gia hàng đầu thế giới gần đây đều đưa ra quan điểm chung rằng, kinh tế toàn cầu hiện phải đối mặt với những mối nguy được đánh giá là trầm trọng nhất kể từ khi “tượng đài” ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008.

Theo nhà phân tích Ruchir Sharma của hãng đầu tư Morgan Stanley Investment Management, chu kỳ suy thoái kinh tế thế giới là 7 - 8 năm/lần trong suốt 5 thập kỷ qua. Tính từ cuộc suy thoái gần đây nhất là năm 2008 thì thời điểm này vừa kết thúc chu kỳ tăng trưởng 7 năm, trước khi bước vào suy thoái. Nhận định này không phải là thiếu căn cứ khi một số nền kinh tế lớn đang chững lại hoặc có dấu hiệu suy yếu nhất định.

Sự sa sút của kinh tế Trung Quốc khiến giới phân tích tỏ ra lo ngại về triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu trong năm 2016. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong quý III/2015 tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất kể từ năm 2009. Một nhận định gần đây của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers đồng quan điểm với chuyên gia Sharma, rằng trong khi các nền kinh tế phát triển đang ở trạng thái “trì trệ thường kỳ” thì ngay cả các nền kinh tế mới nổi, được kỳ vọng là sẽ kéo kinh tế thế giới đi lên lại đang rất kém, thậm chí là sa sút trầm trọng. Các quốc gia mới nổi trong năm 2016 sẽ chịu sức ép lớn từ kinh tế Trung Quốc với vai trò là thị trường xuất khẩu chính như Brazil, Chile, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nam Phi, Thái Lan và Việt Nam. Nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin – Brazil đang suy giảm ở mức nhanh nhất kể từ thập niên 1930, lạm phát trên 10% và bộ trưởng kinh tế nước này mới từ chức.

Do đó, các định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đều tỏ ra thận trọng, đồng thời điều chỉnh các số liệu thấp hơn từng dự báo trước đó cả trong ngắn hạn và dài hạn đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Điểm sáng duy nhất trong năm tới là viễn cảnh giá dầu thấp tiếp tục duy trì. Điều này đem lại 2 lợi ích cho kinh tế toàn cầu: Tăng động lực tiêu dùng cho các hộ gia đình và nền kinh tế tiêu thụ lượng lớn năng lượng, và tạo áp lực lên lạm phát. Trong khi giá dầu thấp ảnh hưởng tới các quốc gia xuất khẩu vàng đen, lại là động lực tăng trưởng của các quốc gia nhập khẩu dầu tại Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á.

Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) năm 2015 đã quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên sau gần một thập kỷ thêm 0,25% lên 0,25 - 0,5%. Dù FED đã định hướng suốt 3 tháng trước đó để nền kinh tế Mỹ và toàn cầu có thời gian thích nghi với quyết định này, nhiều biến động nhất vẫn xảy ra. Giá USD tăng trong khi giá dầu và vàng rớt thê thảm; các cảnh báo về những hậu quả tiêu cực xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Tất cả đều tạo cảm giác về một viễn cảnh kinh tế u ám đang đợi nền kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Do đó, năm 2016 chưa phải thời điểm lý tưởng cho một cuộc suy thoái hay một sự bứt phá của kinh tế thế giới, tuy nhiên “kíp nổ” cho chu kỳ khủng hoảng mới có khả năng được châm ngòi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần