Kinh tế toàn cầu thêm bấp bênh vì Omicron

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biến thể Omicron mới của virus SARS-CoV-2 được dự báo có thể làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu, làm mờ hy vọng rằng cuộc sống hàng ngày và thương mại có thể trở lại bình thường giữa đại dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát.

Các khu phố mua sắm của thủ đô ở Amsterdam, Hà Lan gần như vắng bóng người sau 5 giờ chiều, ngày 29/11. Ảnh: AP 
Trong những ngày gần đây, các chính phủ đã phản ứng nhanh chóng với tin tức về biến thể Omicron mới khó lường bằng một loạt các lệnh hạn chế được tái áp đặt, làm mờ đi triển vọng phục hồi kinh tế. Theo ước tính của giới chức Israel, quyết định hôm 27/11 về việc đóng cửa biên giới với tất cả khách du lịch nước ngoài trong 2 tuần có khả năng làm giảm số lượng khách du lịch ở Israel và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trong tháng này lên tới 40.000 người, tương đương gần 60% so với dự kiến.

Tại Pháp, một hội chợ giải trí kéo dài 1 tháng, được tổ chức hàng năm tại công viên Luna, thành phố Nice, miền Nam nước này và dự kiến khai mạc vào cuối tuần này, đã bị đình chỉ sau khi Chính phủ Paris bất ngờ trưng dụng nhà kho khổng lồ chứa tàu lượn siêu tốc, trò chơi đu quay… để chuyển đổi thành một trung tâm tiêm chủng ngừa Covid-19 khẩn cấp.

“Tôi đang cố gắng cứu công ty nhưng không chắc có thể làm được nữa hay không” - Serge Paillon, chủ sở hữu của công viên Luna nói với New York Times. Ông đoán rằng mình sẽ phải đối mặt với những khoản lỗ lớn, bao gồm khoản đầu tư lên tới 500.000 euro (797.000 USD) cho sự kiện lần này, cũng như tiền hoàn lại cho những chiếc vé đã được bán trong vài tháng qua. “Một năm rưỡi qua đã là một thảm họa. Và bây giờ nó đang bắt đầu trở lại” - Paillon nói.

Phát biểu tại một sự kiện hôm 3/12, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo biến thể Omicron mới có thể làm chậm sự phục hồi kinh tế toàn cầu, tương tự những gì mà chủng Delta đã làm. “Một biến thể mới có khả năng lan truyền rất nhanh có thể làm giảm niềm tin của thị trường, và đó là lý do chúng ta có thể thấy một số dự báo mới về tăng trưởng toàn cầu trong tháng 10” - bà Georgieva nói.

Một báo cáo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố hôm 1/12 cho thấy, mặc dù tăng trưởng không đồng đều nhưng kinh tế thế giới năm nay đã phục hồi nhanh chóng và mạnh mẽ hơn dự đoán. Tuy nhiên, báo cáo - được tổng hợp phần lớn trước khi có tin tức mới nhất về biến thể Omicron mới - cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại: Từ 5,2% của năm 2021 xuống 4,3% trong năm 2022 tại Eurozone; 5,6% xuống 3,7% tại Mỹ; 8,1% xuống 5,1% tại Trung Quốc.

OECD đã mô tả triển vọng của mình là “sự lạc quan một cách thận trọng”, nhưng đồng thời nhắc lại rằng rủi ro kinh tế gắn bó chặt chẽ với diễn biến của dịch bệnh Covid-19. Thật vậy, mối đe dọa của Omicron đối với sự phục hồi chỉ là mối đe dọa mới nhất trong một loạt những trắc trở mà nền kinh tế thế giới đã phải hứng chịu kể từ khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu xuất hiện khắp các lục địa vào năm ngoái.

“Ngay cả trước khi có sự xuất hiện của biến thể mới này, chúng tôi đã lo ngại rằng sự phục hồi, trong khi nó vẫn tiếp tục, đang mất đi phần nào động lực”, người đứng đầu IMF cho biết, đồng thời bà lưu ý rằng các nhà hoạch định chính sách hiện đang đối phó với các vấn đề mới như lạm phát.

Trong thời gian bùng phát dịch bệnh trước đó, hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ của các chính phủ đã giúp nhanh chóng hồi sinh nền kinh tế đang gặp khó khăn. Nhưng mặt khác, nó cũng mang lại một số tác dụng phụ không mong muốn. Kết hợp với nhu cầu bị dồn nén, sự hỗ trợ đó đã tạo ra sự thiếu hụt lao động và nguyên liệu và lạm phát gia tăng.

Cách đây chưa đầy 2 tháng, bà Georgieva bày tỏ tin tưởng rằng lạm phát sẽ không quá đáng lo, nhưng hôm 3/12, bà cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ phải tăng lãi suất vào năm 2022, chứ không phải vào năm 2023 như IMF dự đoán trước đó. Chủ tịch Fed Jerome Powell trước đó cũng nói rằng mối quan tâm về lạm phát đang gia tăng. OECD cũng cảnh báo rằng lạm phát có thể cao hơn và kéo dài hơn so với dự đoán ban đầu.

Laurence Boone, chuyên gia kinh tế cấp cao của Fed, nói rằng sự xuất hiện của Omicron làm tăng thêm sự bấp bênh đối với nền kinh tế toàn cầu. Bà nói: “Ngay cả khi đó là thứ virus mà chúng ta có thể đối phó như trước đến nay, nó có thể kéo dài sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và lạm phát có thể mất nhiều thời gian hơn để giải quyết. Nhưng nếu biến thể mới nguy hiểm hơn, gây ra tình trạng phong tỏa rộng rãi hơn và làm giảm niềm tin, nó sẽ làm giảm xu hướng chi tiêu và kinh tế sụt giảm”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần