Kinh tế Trung Quốc sẽ chuyển hướng thế nào sau Đại hội 19

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 19 bế mạc cũng hé lộ nhân sự cho vị trí Thống đốc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC).

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã bế mạc với việc thông qua Nghị quyết Đại hội. Trong đó nêu rõ, tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng coi cải cách mở cửa là con đường để xây dựng một nước Trung Quốc mạnh hơn và là đặc trưng quan trọng nhất trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Dịch chuyển theo hướng “xanh” hơn
Thông qua các báo cáo và thảo luận trong Đại hội, có thể thấy trong những năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã dần dịch chuyển theo hướng “xanh” hơn, không nằm ngoài xu hướng toàn cầu. Theo đó nghiên cứu phát triển, “đi tắt đón đầu” và không ngần ngại học hỏi công nghệ của phương Tây nhằm giải bài toán để nền kinh tế sản xuất bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ XI sẽ tiết kiệm năng lượng hơn, giảm thiểu rác thải và ô nhiễm môi trường.
 Đại hội Đảng 19 đưa ra định hướng phát triển kinh tế cho 5 năm tới.
Trung Quốc hiện nay đang “vùng vẫy” trong một tỷ lệ rất cao máy móc thiết bị công nghệ thấp và cố gắng hướng tới mục tiêu hiện đại, xanh và sạch. Nhưng nếu nền kinh tế dịch chuyển theo hướng đó, cũng đồng nghĩa với việc đóng cửa hàng loạt mỏ than, hay giảm mức độ khai thác của ngành dầu khí. Trung Quốc sẽ phải chuyển sang một nền kinh tế tiết kiệm năng lượng, vì bản thân kinh tế nước này cho đến nay vẫn “ngốn” nhiều năng lượng nhất thế giới và nằm trong số những quốc gia nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Nếu chuyển hướng thành công, Trung Quốc cũng sẽ giảm mức độ phụ thuộc nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ nước ngoài. Đây là một trong những mục tiêu cải cách đầy tham vọng của Trung Quốc trong thời gian tới. 
Coi trọng ổn định tài chính

Thông qua Đại hội lần này cũng thu hẹp danh sách ứng viên cho vị trí Thống đốc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC) xuống còn 3 yếu nhân, sau khi ứng viên được coi là tiềm năng nhất Yi Gang không lọt được vào Ủy ban T.Ư Đảng. Chu Tiểu Xuyên - Thống đốc PBoC sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 3/2018 sau 15 năm ở vị trí này, đồng thời điểm thôi giữ chức Phó Chủ tịch Hội nghị chính hiệp Trung Quốc (CPPCC).
Phó Thống đốc PBoC Yi Gang từng là nhân vật tiềm năng nhất cho vị trí này với chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực chính sách tiền tệ thực tiễn, cũng như khả năng ngoại ngữ cao. Tuy nhiên, ông Yi Gang đã không lọt vào Ủy ban T.Ư Đảng hơn 200 ủy viên hay nhóm 150 ủy viên dự khuyết. Cho đến nay, Jiang Chaoliang - Bí thư tỉnh Hồ Bắc, tiếp theo là Guo Shuqing - Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Trung Quốc và Liu Shiyu - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán được coi là dẫn đầu trong đường đua tới vị trí này.
Kể từ khi nhậm chức năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực tài chính ổn định. Với tiêu chí đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, lãnh đạo nền kinh tế thứ hai thế giới luôn quản lý chặt chẽ các định chế có tầm ảnh hưởng lớn như PBoC. Không giống như các Ngân hàng T.Ư phương Tây, PBoC không có toàn quyền quyết định chính sách. Thay vào đó, Hội đồng Nhà nước, cơ quan điều hành cấp cao nhất của nước này, đưa ra tiếng nói cuối cùng và cơ chế này được các chuyên gia khẳng định sẽ tiếp tục duy trì.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần