Kinh tế Trung Quốc "thấm đòn" chiến tranh thương mại trong năm 2019

Tú Anh (Theo CNN)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều thập kỷ phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại với tăng trưởng năm 2018 được coi là thấp nhất kể từ năm 1990.

Viễn cảnh của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 thậm chí còn tồi tệ hơn.

 Ảnh minh họa.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chịu nhiều tác động từ triển vọng thương mại mờ mịt, trong khi chính phủ nỗ lực kiềm chế những khoản vay rủi ro trước mức nợ tăng nhanh. Quan trọng hơn, “nhất cử nhất động” của kinh tế Trung Quốc đều khiến cộng đồng DN và thị trường trên toàn cầu lo sợ. Bắc Kinh hiện là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, trở thành công xưởng lớn của toàn cầu khi nhập khẩu nguyên liệu từ nhiều quốc gia để xuất xưởng iPhone, máy tính xách tay và nhiều sản phẩm khác.

Tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng cũng biến Trung Quốc thành thị trường lớn nhất trên hành tinh về các mặt hàng tiêu dùng như xe hơi, điện thoại thông minh, tạo hàng tỷ USD lợi nhuận cho các tập đoàn như General Motors hay Apple. "Trung Quốc đã trở thành động lực tăng trưởng lớn nhất thế giới", theo Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của hãng nghiên cứu IHS Markit.

Những lo ngại của nền kinh tế Trung Quốc cũng đã phủ bóng thị trường tài chính trong năm qua. Chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn của Bắc Kinh lao dốc vào tháng 6/2018 và giảm 25% kể từ đầu năm, và gây tác động tiêu cực lan tỏa tới các thị trường Châu Âu và Mỹ.

Rất khó đong đếm mức độ nghiêm trọng từ việc Trung Quốc tăng trưởng chững lại, trong bối cảnh tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến có ảnh hưởng rõ rệt vào năm 2019.

Sau khi áp dụng mức thuế mới đối với hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu lẫn nhau, Mỹ và Trung Quốc hiện đang cố gắng tiến tới một thỏa thuận vào cuối tháng 2. Trong khi đó, “chiếc phanh hãm” áp lên nền kinh tế Trung Quốc từ cuộc chiến thương mại dự kiến ​​sẽ trở nên rõ rệt hơn trong những tháng tới, làm tổn thương xuất khẩu và lợi nhuận của các công ty Bắc Kinh. Hiện chưa rõ Bắc Kinh và Washington có đạt được thỏa thuận ngừng chiến trước hạn chót ngày 1/3 sắp tới hay không. Tuy nhiên, xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua khái niệm thương mại đơn thuần, mà còn là sự “khó chịu” của Mỹ về lập trường của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, chính sách công nghiệp và tiếp cận thị trường.

Bên cạnh việc áp thuế, chính phủ Mỹ cũng đã cấm cửa hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc tham gia thị trường Mỹ, tăng cường kiểm tra các khoản đầu tư nước ngoài và tìm cách dẫn độ Giám đốc điều hành hàng đầu tại Huawei - tập đoàn Trung Quốc dự kiến ​​sẽ dẫn đầu trong thị trường 5G toàn thế giới. Giới phân tích cho rằng con đường dẫn đến một thỏa thuận đình chiến cuối cùng giữa hai siêu cường kinh tế sẽ còn gập ghềnh, kéo dài và trong quá trình đó, hai nền kinh tế sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho mỗi bên. 

Một lưu ý nữa với Trung Quốc là ảnh hưởng của những “bóng đen” này tới niềm tin tiêu dùng – động lực tăng trưởng chính của Bắc Kinh thời gian qua. Sự chuyển đổi kinh tế phi thường của đất nước này trong những thập kỷ gần đây đã kéo hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói, thúc đẩy sự bùng nổ chi tiêu. 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần