Kinh tế tư nhân bình đẳng với kinh tế nhà nước: Tưởng khó mà không khó!

Tiểu Thúy (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là trao đổi của Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển với phóng viên Kinh tế & Đô thị về thực trạng của kinh tế tư nhân Việt Nam và việc tạo lập hành lang pháp lý cho kinh tế tư nhân phát triển bình đẳng với kinh tế nhà nước.

 Tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển.
Phát triển mạnh mẽ
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam, thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế?
- Đánh giá một cách khách quan, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã có một hành trình phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu đáng kể.
Còn nhớ, năm 1995 khi nước ta bắt đầu bước vào giai đoạn đổi mới, thời điểm đó người người, nhà nhà đều hình dung rằng kinh tế tư nhân hay nói khác hơn là các công ty tư nhân là công ty trách nhiệm hữu hạn, là giám đốc, là trợ lý xinh đẹp, là hối lộ… Vì vậy, hầu hết họ ngại hay nói thẳng ra là không thích xin việc vào các công ty tư nhân. Bằng mọi cách họ muốn được làm việc trong môi trường nhà nước.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhìn lại chặng đường hơn 20 năm đổi mới, ai cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng kinh tế tư nhân thật sự đã đóng góp rất mạnh cho sự phát triển kinh tế quốc gia, có thể kể đến như: GDP, sản phẩm chất lượng, việc làm… Hiện nay, rất nhiều lĩnh vực trước đây chỉ có nhà nước làm (như điện, giao thông…) thì giờ các công ty tư nhân cũng tham gia, họ làm rất tốt, gặt hái được nhiều kết quả đáng nể và đóng góp lớn cho đất nước.
Riêng về những hạn chế, việc phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam chưa tạo ra được nhiều công ty cổ phần đại chúng.
Hãy hình dung rằng trong phát triển kinh tế tư nhân thì việc có càng nhiều công ty cổ phần đại chúng càng tốt. Điều đó tạo nên sự sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần tạo nên những giá trị gia tăng về hàng hóa sản xuất, cạnh tranh xuất khẩu thế giới… những điều này các công ty tư nhân tại Việt Nam chưa làm được.
Phần lớn các công ty tư nhân ở nước ta hiện nay chỉ tập trung để phục vụ nhu cầu nội địa là chính, hoặc là sử dụng tài nguyên như khai thác bất động sản, giao thông, thủy điện… Chưa có những công ty sản xuất hàng hoá kinh doanh bán lẻ, hướng tới việc xuất khẩu cạnh tranh như các nước khu vực trong khu vực Thái Lan, Malaysia… đã làm được.
Tôi xin lấy ví dụ cụ thể, chẳng hạn như Tập đoàn VinGroup, được xem là một điển hình về công ty lớn ở Việt Nam. Mặc dù thành công của VinGroup là rất lớn nhưng thực chất công ty này cũng chỉ đang làm những chuyện mà chúng ta xem như là khuyến khích làm (sản xuất xe điện, xe hơi..), tuy nhiên tất cả những sản phẩm này đều hướng tới phục vụ thị trường nội địa, chứ không phải hướng tới việc xuất khẩu, cạnh tranh với các nước khác.
Hay nói một cách dễ hiểu hơn, với lĩnh vực nông sản, một trong những thế mạnh của Việt Nam. Song hiện nay, các công ty tư nhân của chúng ta chưa thể trở thành những công ty chế biến để đáp ứng giá trị gia tăng thật sự. Trong khi đó chúng ta có gì, tiềm năng về nhân lực trí tuệ chúng ta có, những công ty công nghệ rất nhiều, không thiếu những công ty hướng tới công nghệ số 4.0… Tôi đánh giá chúng ta có nhiều nhân lực giỏi, vậy mà trên lĩnh vực thế mạnh, các công ty tư nhân của Việt Nam vẫn chưa thể khai thác thành công.
Có quan điểm cho rằng, chỉ khi kinh tế tư nhân phát triển thì mới có dân giàu, nước mạnh.
Ông nghĩ sao về lập luận này?
- Không riêng gì Việt Nam, ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới, kinh tế tư nhân chiếm trên 85% GDP, là nền tảng và là trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh. Hay nói khác hơn, là một quốc gia không thể phát triển nếu thiếu kinh tế tư nhân. Dân sẽ giàu, nước sẽ mạnh khi mà kinh tế tư nhân phát triển mạnh.
Trong những năm gần đây, kinh tế tư nhân ở nước ta phát triển khá nhanh và mạnh, trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Có thể kể đến như việc kinh tế tư nhân đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước; đặc biệt đã khơi dậy một bộ phận tiềm năng của đất nước, huy động được nguồn vốn xã hội, tăng nguồn nội lực, tham gia phát triển kinh tế quốc dân và đang ngày càng chứng minh là một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân.
Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện có khoảng trên 750.000 DN đang tạo ra 12 triệu việc làm, đóng góp tới 43% GDP (so với khu vực kinh tế nhà nước 28,9% GDP và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI là 18% GDP; riêng trong lĩnh vực dịch vụ, khu vực tư nhân đóng góp tới 85% GDP). Để thành quả này duy trì và lớn mạnh, song song việc phát triển kinh tế nhà nước phải chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển.
Tránh chồng chéo
Vậy, theo ông đâu là những vấn đề mấu chốt nhất để kinh tế tư nhân phát triển bình đẳng với kinh tế nhà nước?
-Thay vì đi tìm cách để kinh tế tư nhân được bình đẳng với kinh tế nhà nước, chúng ta nên đơn giản hóa vấn đề bằng cách đặt ra câu hỏi: Làm sao để không có bất bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước?
Kinh tế tư nhân sẽ không thể nào bình đẳng với kinh tế nhà nước khi mà lĩnh vực gì tư nhân làm được thì nhà nước cũng làm được, khi đó không còn là bình đẳng hay không bình đẳng nữa.
Chẳng hạn, có những dự án theo tôi nghĩ đúng đắn nhất là chưa nên cho công ty tư nhân làm, thì hiện nay ở nước ta các công ty tư nhân lại làm rất mạnh. Đầu tư hạ tầng giao thông cho những đường quốc lộ chính (quốc lộ mà nguồn vốn phải từ ngân sách nhà nước, phải từ thuế và được giám sát nghiêm ngặt đúng chuẩn) nhằm phục vụ cho kinh tế chung thì phải giao cho những tổng công ty giao thông nhà nước thực hiện, giám sát nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, không thiếu những dự án như nói trên được các công ty tư nhân (lập trạm BT) đứng ra làm, vì có sự chồng chéo nên mới sinh ra bất bình đẳng. Để kinh tế tư nhân được bình đẳng phát triển, theo tôi cứ rạch ròi lĩnh vực nào nhà nước làm thì không giao tư nhân, còn lĩnh vực nào tư nhân làm thì nhà nước không can thiệp.
Với những lĩnh vực mà công ty tư nhân làm được như công ty đầu tư bất động sản, công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng… thì nhà nước đã có lộ trình cổ phần hóa rõ ràng. Đã cổ phần hóa thì phải cổ phần hoá thật mạnh, cổ phần thật sự cho đến lúc nào trở thành công ty đại chúng. Còn nếu cứ cổ phần nữa vời theo kiểu, hình thức là công ty cổ phần, nhưng nội dung nhà nước lại nắm quyền chi phối thì như vậy không còn sự cạnh tranh, gây ra bất bình đẳng giữa công ty nhà nước và tư nhân. Bởi vì, những gì mà công ty nhà nước làm thì phải ngầm hiểu công ty tư nhân không nên làm, hoặc chưa nên làm.
Nếu như cứ tồn tại tình trạng, trong cùng một lĩnh vực hay một dự án mà cả công ty nhà nước và công ty tư nhân đều có thể làm, sẽ nảy sinh ra rất nhiều huệ luỵ. Một là thoái vốn hóa nhà nước gây ra bất bình đẳng, hai là sinh ra công ty “sân sau” mang tính tư nhân nhưng mà phục vụ thoái vốn hóa nhà nước.
Tôi cho rằng, để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa công ty tư nhân và công ty nhà nước là việc tưởng khó nhưng lại không khó. Nếu như thực hiện nghiêm hai chủ trương, thứ nhất việc gì tư nhân làm được nhà nước không nên làm, thứ hai là các công ty sản xuất nhanh đẩy mạnh cổ phần hóa thật sự thành công ty đại chúng hết.
Nếu thực hiện tốt hai chủ trương này, tôi tin rằng sẽ không còn phân biệt giữa công ty nhà nước và công ty tư nhân, mà chỉ còn công ty cổ phần đại chúng, công ty cổ phần chưa đại chúng và công ty nhỏ và vừa.
Hoặc cũng có thể giải quyết bất bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước theo cách khác. Đừng suy nghĩ theo kiểu bắt buộc phải lưu giữ kinh tế nhà nước là kinh tế chủ đạo nên phải có công ty kinh tế nhà nước. Thực chất, Nhà nước chỉ cần nắm giữ công ty khổng lồ trong dịch vụ hạ tầng thiết yếu như điện, nước, giao thông, một phần hàng không, cảng chính…
Những lĩnh vực này tư nhân không thể cạnh tranh và cũng không thể làm tốt bằng nhà nước. Mặc dù nếu tính tỷ trọng có thể không lớn so với công ty tư nhân nhưng những lĩnh vực này nắm thiết yếu phục vụ chung giúp Nhà nước vẫn giữ quyền chỉ huy, đồng thời không cạnh tranh trong kinh tế lợi nhuận sáng tạo.
Để làm được điều đó thì điều kiện tiên quyết là Nhà nước phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân, giữa DN nhà nước với DN ngoài Nhà nước, giữa DN trong nước với doanh nghiệp có vốn FDI...
Xin cảm ơn ông!

Cần quán triệt quan điểm kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước không phải là hai mặt đối lập, không phải là đối thủ cạnh tranh "một mất một còn" mà phải ở trong quan hệ tương hỗ, cùng phát triển.