Kinh tế tư nhân: Chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế, đội ngũ doanh nhân luôn nỗ lực phấn đấu làm giàu cho bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, cùng với Nghị quyết T.Ư 5 (Khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân, cộng đồng doanh nhân Việt Nam lại đón thêm những thông tin tích cực khi một loạt những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN đã và đang được triển khai. Điều đó cũng là động lực quan trọng thúc đẩy sự nỗ lực và cống hiến của đội ngũ doanh nhân, của cộng đồng DN, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước.
 Vietjet là một trong những doanh nghiệp tư nhân thành công trên thị trường hàng không. Ảnh: Tuấn Anh.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân (KTTN) Việt Nam lần 2 – VPSF tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với mỗi DN mới thành lập thì DN tư nhân tạo ra doanh thu nhiều hơn gấp 3 lần DN Nhà nước, cho thấy chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế nằm rất nhiều ở khu vực tư nhân.

Mục tiêu đóng góp 50 - 60% GDP

Năm 2016 đánh dấu một bước nhảy vọt đối với sự phát triển của khối KTTN với 110.000 DN được thành lập mới. Tính đến hết tháng 9/2017, cả nước có thêm 93.967 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 902.682 tỷ đồng, tăng 15,4% về số DN và tăng 43,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty 

Thương mại Hà Nội Nguyễn Thị Hải Thanh: "Thực tế cho thấy xu hướng mở cửa thị trường tự do cạnh tranh là tất yếu. Vì thế, Hapro cũng như các DN Việt Nam khác đang lựa sức mình, phát triển lợi thế cạnh tranh, tránh đối đầu trực diện với các nhà bán lẻ mạnh của nước ngoài bằng cách tập trung hệ thống phân phối có quy mô nhỏ và vừa, bám theo địa bàn dân cư, tận dụng lợi thế uy tín, thương hiệu, lợi thế quy mô về sự khác biệt trong kinh doanh để mở rộng thị phần.

Tuy nhiên việc Nhà nước thay đổi hệ thống chính sách đã có sức ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của các DN nội địa. Chính vì vậy để tạo điều kiện cho các nhà bán lẻ Việt Nam vươn lên, Nhà nước phải có chính sách đất đai hợp lý cho phát triển thị trường nội địa, vì đây là điều sống còn với DN. Theo đó, trong quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng thương mại phải quy định cụ thể các đại siêu thị, siêu thị, trung tâm buôn bán phải cách trung tâm bao xa, cự lý khoảng cách giữa các TTTM, siêu thị để bảo đảm cho hệ thống bán lẻ phát triển có hiệu quả và phục vụ ngành tiêu dùng tốt hơn."

Chủ tịch Công ty CP Quốc tế Sơn Hà Lê Vĩnh Sơn: "DN sẵn sàng tham gia một cách chủ động, tích cực và có trách nhiệm và phát triển năng lượng sạch, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả. Nhưng kiến nghị Chính phủ có hành động đầu tư thiết thực và công bằng giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước với thành phần KTTN. Khuyến khích KTTN tham gia góp vốn, mua cổ phần của các DNNN khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn."

Hiện nay, KTTN đang chiếm tỷ trọng khoảng 40% GDP nền kinh tế, kinh tế Nhà nước 30%, kinh tế tập thể 5%... Cũng theo số liệu thống kê, khu vực tư nhân hiện mỗi năm tạo ra khoảng 85% việc làm trong nền kinh tế. Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng đóng góp của KTTN lên 50 - 60% GDP. Mục tiêu này xuất phát từ thực tế sự vươn lên của nhiều thương hiệu lớn của khu vực kinh tế này, trong đó có thể kể đến như: Công ty CP ô tô Trường Hải, Tập đoàn Geleximco, Doji, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Đầu tư thế giới di động… Đó là Vingroup, Novaland, Conteccons, Geleximco trong xây dựng, bất động sản; Vinamilk, TH True Milk trong ngành sữa, Vietjet Air làm thị trường hàng không Việt Nam năng động hơn…

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital Don Lam, Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng trong rất nhiều sáng kiến và giải pháp, nhưng sự thay đổi cần được thúc đẩy nhanh hơn nữa để bắt kịp thị trường toàn cầu. Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội, và tạo dựng môi trường tối ưu cho khu vực tư nhân phát triển nên được xem là ưu tiên cao nhất. Để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng, cạnh tranh mạnh mẽ với các thành phần kinh tế khác, ông Don Lam cho rằng, cần phải bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển.

Sự đồng hành thiết thực

Khát vọng, mong muốn của khu vực KTTN đã được ghi nhận tại văn kiện Đại hội XII của Đảng. Cụ thể, DN tư nhân đã có được một khuôn khổ, định hình, một tư duy mới để phát triển. Thời gian qua, Chính phủ cũng đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh bằng nhiều biện pháp hỗ trợ và cắt giảm thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm, giải pháp liên quan đến đất đai, cấp phép xây dựng, thủ tục đầu tư, tiếp cận nguồn vốn vay, điều kiện kinh doanh, thành lập DN…
Nhiều chính sách đối với DN mới khởi nghiệp cũng đã được ban hành. "Các chính sách cần được đẩy mạnh hơn nữa để khuyến khích khu vực KTTN” - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Cũng theo ông Lộc, sau việc công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, VCCI đã chủ động báo cáo với Chính phủ xếp hạng các bộ, ngành về thực hiện pháp luật ở các địa phương. Về chỉ số MEI (chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành), hầu hết các bộ, ngành đều đạt mức độ 5 - 6 điểm, điều đó cho thấy còn rất nhiều dư địa để hoàn thành thể chế. Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cũng khẳng định: Một nền kinh tế xét về lý thuyết sẽ không thể phát triển được nếu KTTN không phải là đầu tàu.
Ngay sau cuộc họp với lãnh đạo một số DN tư nhân lớn tại Hà Nội vào trung tuần tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thành lập Ban Nghiên cứu phát triển KTTN thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính. Động thái này được cộng đồng DN tư nhân và nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao, kỳ vọng sẽ là luồng gió mới nhằm tháo gỡ rào cản, tạo sức bật để khu vực KTTN phát triển. “Việc Thủ tướng thành lập Ban Nghiên cứu phát triển KTTN là cách làm mới, chưa có tiền lệ. Điều này cũng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đưa tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 về phát triển KTTN vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy KTTN phát triển cũng như nâng cao vai trò, vị thế của khối DN này trong nền kinh tế Việt Nam”- Phó Tổng Thư ký Diễn đàn KTTN Phạm Ngọc Thủy chia sẻ.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất HIKARI P&T Việt Nam Nguyễn Đức Cường: "Hiện số lượng DN tham gia vào sản xuất, chế tạo cho ngành công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm khoảng 0,3% trong tổng số gần 500.000 DN Việt Nam. Điều đó cho thấy để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển nhà nước và thành phố thông qua sở, ban, ngành hoặc hiệp hội xem xét có thêm các chương trình xúc tiến hợp tác, kết nối giao thương, tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của DN Việt Nam tới DN FDI và thị trường quốc tế. Trong đó các cơ quan thuộc chính quyền sẽ vừa là cầu nối vừa là cơ quan giám sát việc thực hiện kết nối này. Đưa mối quan hệ hợp tác thành mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa thành phố chứ không đơn thuần là mối quan hệ cá nhân hay mối quan hệ giữa công ty với công ty như hiện tại. Qua đó DN FDI sẽ thúc đẩy, “kèm cặp” DN Việt Nam sản xuất linh phụ kiện cung cấp cho họ, từ đó giúp các DN trong nước trực tiếp “len chân” được vào chuỗi sản xuất. Với các DN FDI khi đầu tư vào Hà Nội, nhận được các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ thì cũng phải cam kết tỷ lệ nội địa hóa, sử dụng các linh kiện, phụ liệu do DN trong nước sản xuất."

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ: "Hội nhập là vận hội của quốc gia nếu vận dụng hữu hiệu, nhưng sẽ là nguy cơ tụt hậu hơn nữa nếu chúng ta mải mê với thành tựu. Hội nhập đòi hỏi Chính phủ và DN phải liên tục cải cách, liên tục hoàn thiện. Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay của các DN là Chính phủ cần đưa ra những chính sách đối xử minh bạch, cởi mở với DN tư nhân, xóa bất cập, bất lợi cho DN."

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần