Kinh tế tư nhân đóng góp hơn 40% GRDP TP Hà Nội

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đội ngũ DNNVV, DN tư nhân TP Hà Nội đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước.

Kết quả đó nhờ những cơ chế, chính sách tạo điều kiện của UBND TP Hà Nội cũng như các cấp, ngành và sự nỗ lực của cộng đồng DN tư nhân. Song để kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn nữa TP cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông các điểm nghẽn.
 Sản xuất linh kiện lắp ráp tủ điện tại Công ty CP Công nghiệp Á Châu, khu công nghiệp Thường Tín.  Ảnh: Thanh Hải
Với môi trường kinh doanh đã được cải thiện, nhiều doanh nhân đã thể hiện rõ phẩm chất, bản lĩnh của doanh nhân Việt Nam hiện đại luôn năng động, sáng tạo, chủ động hội nhập, khắc phục các khó khăn vươn lên cạnh tranh trên thị trường để đảm bảo kinh doanh ổn định, phát triển.
Đến nay, tổng số DN trên địa bàn TP Hà Nội là 256.000 DN, bình quân 34 người dân Thủ đô/DN, cao gấp 3,7 lần mức bình quân chung của cả nước. Số lượng DNNVV đa số là DN tư nhân chiếm trên 97,2% số DN trên địa bàn, đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp hơn 40% GDP cho TP, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động.
Đội ngũ DNNVV TP đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Dưới góc độ DN, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nông sản Thực phẩm Việt Nam Trần Thị Thu Hằng cho biết, thời gian qua môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã được cải thiện rất đáng kể.
Đơn cử các cấp, các ngành tổ chức những chương trình, hoạt động như Diễn đàn này để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của DN nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, từ thực tế bản thân của DN, bà Hằng cho rằng, trên thì “rất nóng”, nhưng đâu đó ở phía dưới vẫn “lạnh”, hay có sự “ưu ái” đã gây khó cho các DN làm ăn chân chính. Do đó, rất cần “nóng đều” để môi trường cạnh tranh minh bạch lành mạnh.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh, hiện các DNNVV rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật. Điều này khiến cho khối DNNVV chỉ đông về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế, nhất là thị trường quốc tế khi Việt Nam đã gia nhập WTO, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương với ASEAN, Mỹ, Nhật Bản, EU…
Tuy nhiên, nền kinh tế càng phát triển và hội nhập sâu thì ngày càng bộc lộ những điểm yếu và hạn chế của DNNVV. Thực tế, năng lực cạnh tranh của DN vẫn ở mức thấp (như năng lực về vốn, quản trị, công nghệ thiết bị, nguồn nhân lực), khu vực tư nhân đã phát triển, song quy mô vẫn còn nhỏ và gặp nhiều hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ (chưa kể đến vấn đề các ngành sản xuất trong nước).
Ngoài ra, còn có những thách thức nội tại khác như thị trường đất đai, lao động, vốn, công nghệ chưa phát triển đồng bộ. Các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, nhập khẩu vẫn bị phụ thuộc nhiều vào một hoặc một vài thị trường.