Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam 2019: Vượt rào để tăng trưởng

TS Võ Trí Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã không tạo ấn tượng như năm 2018. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2019, đòi hỏi phải có những hành động thiết thực, tương xứng cho những tháng tiếp theo.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng.
Lạm phát cao, tăng trưởng thấp

Quý I/2019, GDP tăng trưởng ở mức 6,79%, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng của một số ngành có dấu hiệu chậm lại. Đà giảm tốc của quý I chủ yếu do tốc độ tăng trưởng của năm ngoái đã ở mức khá cao, thêm 1% tăng trưởng của năm nay sẽ là con số rất đáng kể. Mặt khác, sự thay đổi về chu kỳ sản xuất của một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng ảnh hưởng đến GDP.

Sự sụt giảm của lĩnh vực điện tử, điện thoại vẫn là rủi ro chính cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Trong khi đó, xuất khẩu vẫn luôn được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới có nhiều biến động xung đột thương mại và bất ổn chính trị, cho thấy xuất siêu thiếu bền vững, nhập siêu có khả năng trở lại.

Tăng trưởng của nền kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào FDI (vốn đầu tư nước ngoài) và xuất khẩu của khu vực này đạt 41,46 tỷ USD, chiếm tới 70,9% tổng kim ngạch. Trong quý I/2019, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Dòng vốn từ Trung Quốc ngoài những tích cực đem lại cho việc làm và tăng trưởng, thì cũng có thể kéo theo những rủi ro về môi trường và quản lý lao động nước ngoài.

Tình hình tài khóa đang được củng cố nhưng chi thường xuyên nhất là chi lương vẫn tăng mạnh và chưa triệt để tiết kiệm chi tại nhiều ngành. Trong khi đó, các nỗ lực tăng thu gặp phải nhiều thách thức như thuế xuất nhập khẩu giảm; thu từ khai khoáng giảm…

Về giá cả, lạm phát quý I mặc dù ở mức vừa phải nhưng có xu hướng tăng trước những điều chỉnh giá điện và xăng dầu gần đây. Tác động của các cú sốc này tới giá cả trong nước có thể kéo dài tới nhiều tháng tiếp theo nên đòi hỏi sự điều hành thận trọng từ phía NHNN đối với tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong thời gian tới.

Yếu tố rủi ro bên ngoài đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có thể giảm mạnh hơn, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc - các đối tác thương mại chính của Việt Nam. Căng thẳng toàn cầu leo thang, tương lai không rõ ràng của tiến trình Brexit và mâu thuẫn trong nội bộ khu vực EU,.. khiến tương lai của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 trở nên bất định hơn. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như vậy, song Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng 6,8%, thậm chí cao hơn (khoảng 7%).
 
Lực đẩy cho tăng trưởng

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Chính phủ đang hối thúc đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là các công trình lớn, trọng điểm ở các cấp. Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương lập danh mục các dự án để tập trung thúc đẩy đầu tư tư nhân, xây dựng và đưa vào khai thác tại địa phương.

Tăng trưởng đến từ khát vọng và nỗ lực vươn lên của chính các DN cùng với sự giúp sức (thay vì đặt mục tiêu) của các cơ quan Nhà nước. Động lực từ phía cung của nền kinh tế vẫn tương đối tốt, cùng với những tín hiệu khả quan từ các dự án mới sắp triển khai. Đặc biệt, công tác đầu tư phát triển hạ tầng đã và đang được tăng tốc triển khai. Nhu cầu nội địa tăng cao.

Trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh còn gặp nhiều rào cản; sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực DN trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa còn hạn chế… thì cải cách sẽ tạo dư địa lớn cho tăng trưởng. Chính phủ đã đưa ra các giải pháp rất thiết thực tại Nghị quyết 01, 02 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Điểm đáng chú ý trong các văn bản này là tiếp tục nhấn mạnh nội dung cần cải thiện mạnh mẽ môi trường sản xuất, kinh doanh. Điều quan trọng là các giải pháp này cần thực hiện một cách quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để không chỉ thúc đẩy tăng trưởng mà còn tạo niềm tin cho DN và người dân.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các DN áp dụng công nghệ để tăng hiệu quả, năng suất. Công nghệ mới cho phép DN tăng năng suất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận nhiều lần. Chính phủ đang thúc đẩy xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, nhằm gắn kết với các cơ sở khoa học, thực nghiệm và triển khai ý tưởng sáng tạo vào thực tế.

Với chính sách tài khóa, Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tái tạo khoảng đệm tài khóa, giữ mức thâm hụt ngân sách thấp. Thứ hai, tinh giản bộ máy Nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên, tập trung vào các cải cách chi ngân sách theo chiều sâu nhằm đảm bảo tiết kiệm và công bằng... Thứ ba, xây dựng hệ thống thuế vì tăng trưởng bằng cách tiếp tục tái cân đối hệ thống thuế, chuyển từ đánh thuế trực tiếp (đánh vào thương mại, thu nhập) sang các hình thức gián tiếp ít gây nhiễu loạn hơn. Một khi giải quyết được vấn đề về thâm hụt ngân sách và nợ công, các kết quả về tăng trưởng mới thực sự bền vững.

Đang có sự khác biệt giữa các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho năm 2019 và những năm tới của các tổ chức trong nước và quốc tế. Nhưng điểm chung vẫn là Việt Nam đang nắm quyền chủ động trong quyết định tốc độ tăng trưởng của chính mình. Hai điểm sáng lớn của nền kinh tế Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô và việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã làm giảm đi những tác động không thuận từ thị trường quốc tế.
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh