Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam: Cần nhanh chóng trở lại trạng thái “bình thường mới”

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khuyến cáo này xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay và yêu cầu, mục tiêu phát triển trong thời gian tới cùng với các giải pháp phù hợp.

Mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng cao trong thời gian qua. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Hapro. Ảnh: Thanh Hải
Trạng thái “không bình thường”
Việt Nam đã phục hồi tốc độ tăng trưởng GDP trên 6% từ năm 2015 và vượt qua mốc 7% trong 2 năm 2018, 2019. Kết quả trên đạt được trong trạng thái “bình thường” với nhiều chỉ tiêu rất khả quan. Đó là vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP và hiệu quả đầu tư tăng. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng; tốc độ tăng năng suất lao động tăng. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đối với tốc độ tăng GDP cao lên. DN đăng ký thành lập mới tăng cả về số. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) tăng cao… Tuy nhiên, năm 2020 tăng trưởng GDP rơi xuống đáy trong mấy chục năm, với tốc độ tăng 2,91% mặc dù Việt Nam là một trong ít nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng dương.

Việc rơi xuống đáy của tăng trưởng này diễn ra trong trạng thái “không bình thường”, với yếu tố chủ yếu là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP tăng (34,4% so với 33,9%), nhưng hiệu quả đầu tư giảm sâu (hệ số ICOR là 14,28 lần so với 6,07%). Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tăng. Tốc độ tăng năng suất lao động chậm lại (tăng 5,4% so với tăng 6,2%). TMBL đã loại giá giảm 1,2%. Tốc độ tăng của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa chậm lại (xuất khẩu tăng 7% so với 8,4%, nhập khẩu tăng 3,7% so với 7%). Số lượt khách quốc tế đến Việt Nam giảm rất sâu (giảm 78,7%). Luân chuyển hành khách giảm tới 34,1%; luân chuyển hàng hóa giảm 6,7%, năm trước tăng 13,7%.

Trạng thái “không bình thường” tiếp tục diễn ra trong 2 tháng đầu năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, đợt 3 xuất hiện từ cuối tháng 1 với số ca dương tính tăng. Số DN gia nhập thị trường (gồm thành lập mới và quay trở lại hoạt động) là 2.962 ít hơn số DN ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường là 3.311 DN. Xuất siêu 2 tháng đầu năm 2021 thấp hơn cùng kỳ. Luân chuyển hành khách giảm sâu (28,8%). Khách quốc tế giảm rất sâu (99,1%),…

Còn nhiều việc phải làm...

Trước hết, cần phân biệt giữa trạng thái “bình thường mới” với trạng thái “bình thường cũ” (2018, 2019) và trạng thái “không bình thường” (từ 2020 đến nay). Trạng thái “bình thường mới” bao gồm 2 nội dung chính: Kiểm soát được dịch Covid-19 có thể chưa hoàn toàn, nhưng “chung sống với dịch” đã được cơ bản kiểm soát; đồng thời đẩy mạnh hơn các giải pháp trên mặt tận thứ hai - mặt trận kinh tế - xã hội. Trạng thái “bình thường mới” cũng khác với trạng thái “không bình thường” trong hơn 1 năm qua, phải tập trung sức cho việc chống dịch với phương châm “chống dịch như chống giặc”; các giải pháp phòng, chống dịch (như giãn cách xã hội) sẽ làm cho việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế - đời sống.

Việc chuyển từ trạng thái “không bình thường” sang trạng thái “bình thường mới” ngoài việc xuất phát từ tình hình thực tế, còn xuất phát từ yêu cầu, mục tiêu phát triển trong thời gian tới. Bởi tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng để ngăn chặn các nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, chưa giàu đã già… Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, có nhiều công việc phải làm. Trước hết là vốn đầu tư. Vốn đầu tư có nhiều nguồn. Cần đẩy mạnh việc giải ngân nguồn vốn từ ngân sách nhà nước 2 tháng qua tuy tăng cao (10,6%) so với cùng kỳ, nhưng so với kế hoạch cả năm vẫn còn đạt tỷ lệ thấp (9%). Đối với nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước, cần tạo các điều kiện cho DN khởi nghiệp (thành lập mới) như vay vốn, thủ tục, chi phí. Tạo điều kiện cho DN quay trở lại hoạt động. Hỗ trợ để hạn chế cao nhất đối với các DN giải thể, tạm ngừng hoạt động, tạm ngừng kinh doanh. Đối với nguồn vốn ĐTTN, cần có giải pháp để thu hút vốn đăng ký cấp mới (2 tháng bị giảm 33,9%), tập trung vào hiệu quả đầu tư, bởi năm trước hiệu quả đầu tư rất thấp (để tăng 1 đồng GDP phải bỏ ra 14,28 đồng vốn đầu tư, cao hơn nhiều con số 6,07 đồng của năm trước).

Tiếp đến là tiêu thụ, bao gồm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó cần khôi phục du lịch lữ hành. Trước mắt là du lịch nội địa; khôi phục dần việc đón khách quốc tế với điều kiện kiểm soát dịch Covid-19. Khôi phục du lịch không chỉ là thu nhập từ du lịch, mà còn góp phần khôi phục được nhiều hoạt động “vệ tinh” của du lịch, như vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng, nhưng cần tập trung hơn cho khu vực kinh tế trong nước, bởi khu vực này xuất khẩu tăng thấp hơn nhập khẩu (4,5% so với 15,5%), tỷ trọng xuất khẩu thấp hơn của nhập khẩu (23,6% so với 33,1%), nên khu vực này nhập siêu lớn hơn cùng kỳ cả về mức tuyệt đối (4.092 triệu USD so với 2.495 triệu USD), cả về tỷ lệ nhập siêu (35,6% so với 22,7%).