Kinh tế Việt Nam nhìn từ quý I/2021: Phục hồi và tăng tốc

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát khủng hoảng Covid-19 và biến khủng hoảng thành cơ hội với việc bước đầu thực hiện được mục tiêu kép.

Bất chấp tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, nhiều tổ chức dự báo Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ "bật tăng"... 
Kinh tế quý I thuận đà tăng trưởng

Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia Lê Trung Hiếu cho rằng, tăng trưởng quý I được hỗ trợ lớn từ ngành nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp trọng điểm trong quý I đã lấy lại đà tăng trưởng, tạo đà tăng trưởng cho quý II. Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, đóng góp 2,37% vào mức tăng trưởng chung. Nhiều ngành có tăng trưởng cao như thép cán, điện thoại, trang thiết bị…

Quý I cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất nhập khẩu khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%. Ngoài ra, Việt Nam cũng hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng cao của ngành công nghệ toàn cầu và dòng vốn FDI vào mạnh. Xu thế này sẽ diễn biến tích cực cùng với việc nhu cầu của toàn cầu đang cải thiện mạnh.
 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam - Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Theo Fitch Solutions, sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ giúp tăng cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhờ có tác động tích cực của các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA và RCEP, sản xuất công nghiệp và xây dựng, chiếm tỷ trọng 33,7% GDP vào năm 2020, sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng vào năm 2021. Cùng quan điểm, WB cho rằng các hoạt động chế biến và chế tạo sẽ khởi sắc hơn nữa khi nền kinh tế Hoa Kỳ và EU khôi phục, trở thành động lực gia tăng nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng hưởng lợi từ chu kỳ tăng trưởng cao của ngành công nghệ toàn cầu và dòng vốn FDI vào mạnh.

Nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), trong năm 2021 và quý I/2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được hỗ trợ bởi ít nhất 5 yếu tố. Một là sự thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 và giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Hai là sự phục hồi tăng trưởng của các thị trường đối tác lớn, có thể hỗ trợ gia tăng xuất khẩu của Việt Nam năm 2021. Dự báo của hầu hết các tổ chức quốc tế cho thấy, kinh tế thế giới và các nước có thể đạt tăng trưởng cao trong năm 2021, đặc biệt là các quốc gia đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam, như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác.
Yếu tố thứ 3 hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng là “thương hiệu quốc gia”. Việt Nam đang cho thấy “sức hấp dẫn” đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài FDI. Yếu tố thứ tư là trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2021. Yếu tố thứ năm là khu vực công nghiệp - dịch vụ có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm tới (từ mức thấp của năm 2020) nhờ sự phục hồi của thị trường tiêu thụ và các nguồn cung ứng. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ và vận tải, kho bãi được kì vọng phục hồi mạnh, trở lại vai trò dẫn dắt, động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Khu vực nông nghiệp được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Quốc gia hiếm hoi thực hiện được mục tiêu kép

Theo đánh giá của ngân hàng United Oversea Bank (Singapore), các hoạt động kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 7,1%. Các dự báo của các tổ chức quốc tế như IMF dự báo tăng trưởng 6,7% và WB dự báo tăng trưởng 6,8%.

Trong số 16 nền kinh tế tại châu Á được HSBC tính toán dự báo tăng trưởng GDP lần này, Việt Nam là nước có GDP năm 2022 được điều chỉnh nâng mạnh nhất. Nhận xét về kinh tế Việt Nam năm 2021, HSBC nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng chống chịu vững vàng trong thời kỳ đại dịch Covid-19. “Động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sau khi kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 hiện vẫn còn rất mạnh, tăng trưởng GDP thực ước tính sẽ đạt 6,6%, đúng với mục tiêu 6,5% của Chính phủ” - HSBC đánh giá.

Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) vừa đưa ra nhận định GDP của Việt Nam dự kiến đạt 7% năm 2021 nhờ sự hồi phục của nhu cầu bên ngoài, giúp nền kinh tế trong nước có khả năng phục hồi và năng lực sản xuất tăng.

Tại Hội thảo Khoa học quốc gia “Kinh tế Việt Nam năm 2020, triển vọng năm 2021 do Ban Kinh tế T.Ư phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 31/3, các chuyên gia đánh giá, quý I đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển đất nước cả năm và chúng ta thấy tình hình kinh tế - xã hội quý I đã phát triển tích cực, phát huy những thế mạnh vốn có của năm 2020.

Rà soát các gói hỗ trợ ngắn hạn và cải cách trong dài hạn

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, với mức tăng 4,48% của GDP quý I, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, ít nhất một quý phải có tăng trưởng trên 7%.

Việt Nam vẫn gặp những vấn đề của một nền kinh tế có mô hình tăng trưởng dựa vào yếu tố đầu vào, chưa có sự tăng trưởng về chiều sâu. Đặc biệt là khi Việt Nam đang tập trung vào những chính sách để phản ứng đối với dịch Covid-19, nguồn lực để có thể giải quyết những vấn đề khác sẽ bị giới hạn và trở nên khó khăn. Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng đang trở nên cấp bách hơn. CMCN 4.0 và kinh tế số được dự báo phát triển nhanh hơn sau dịch Covid-19 giúp Việt Nam đứng trước cơ hội đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, nên tập trung vào đầu tư công và phát triển hạ tầng kinh tế, ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh để tạo ra tác động lan tỏa.

Đáng chú ý là số DN đăng ký thành lập mới trong quý I giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký tăng 27,5% do tăng số DN có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng và giảm số DN có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Cộng đồng DN tiếp tục phát triển cả về lượng và chất, với nhiều tập đoàn và DN hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ, chủ động tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Theo PGS.TS Tô Trung Thành - Đại học Kinh tế quốc dân, yêu cầu đặt ra là củng cố và bổ sung mới từ những đột phá thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Song song đó, cần tiếp tục hỗ trợ cộng đồng DN tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước… Tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021; mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/4/2020.

"Cốt lõi của Việt Nam ở đây là chuyển đổi sang kinh tế thị trường với 3 vấn đề. Thứ nhất, phải thực chất là thị trường về đất đai; thị trường vốn, đây là vấn đề rất quan trọng nhưng chúng ta cũng chưa hình thành được; về thị trường lao động phải thật sự hoạt động theo nguyên tắc của thị trường. Thứ hai, phát triển kinh tế tư nhân hoàn toàn năng động và được phát triển thì mới hỗ trợ được kinh tế Việt Nam phát triển. Thứ ba, tiếp tục cải cách thể chế. Tất cả các vấn đề này có thể tạo ra nguồn lực để ứng phó với những thách thức có thể xảy đến." - Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường