Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm: Nhiều tín hiệu khả quan

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, 5 tháng đầu năm 2018, kết quả kinh tế, xã hội đã đạt được nhiều thành tựu, tạo đà hoàn thành các chỉ tiêu phát triển cho cả năm. Tuy nhiên, từ kết quả đạt được có thể nhận diện những tín hiệu khả quan, đồng thời cũng có một số vấn đề cần cảnh báo.

Những kết quả tích cực
Sản xuất tiếp tục tăng trưởng, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tiếp tục tăng khá với 3/4 ngành công nghiệp cụ thể (công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải) tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, là đặc trung của nước công nghiệp đã tăng với tốc độ cao nhất (11,8%), tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Giá thực phẩm tăng trở lại, tạo điều kiện cho sản xuất thực phẩm phục hồi tăng trưởng.
 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Fivi Mart. Ảnh: Công Hùng
Trong điều kiện cân đối ngân sách còn khó khăn, nhưng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng (8,8%), trong đó một số bộ, ngành, tỉnh, TP tăng cao hơn tốc độ chung như các Bộ: TN&MT, GD&ĐT, VHTT&DL, KH&CN, TT&TT; các tỉnh, TP như Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Nam, Cần Thơ, Kiên Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Quảng Ninh. Vốn đăng ký của các DN thành lập mới đạt 516.900 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, kỳ vọng cả năm đạt kỷ lục mới.

Tiêu thụ trong nước thể hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) 5 tháng đầu năm nay vừa tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (8,3% so với 7,5%), vừa tăng cao hơn tốc độ tăng GDP. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đạt quy mô khá và tăng cao so với cùng kỳ (93,09 tỷ USD, cao hơn mức cả năm 2010, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng đạt được ở cả hai khu vực; ở nhiều mặt hàng; mới qua 5 tháng đã có 18 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Do xuất khẩu đạt quy mô và tốc độ cao hơn nhập khẩu (89,7 tỷ USD, tăng 8,2%), nên nếu cùng kỳ năm trước còn nhập siêu (2,52 tỷ USD), thì 5 tháng năm nay đã chuyển sang xuất siêu (3,39 tỷ USD).

Giá vàng, giá USD 5 tháng qua tăng thấp hơn cùng kỳ (giá vàng tăng 5,77% so với 7,22%, giá USD tăng 0,09% so với 1,36%). Với các kết quả trên, cùng tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm, sẽ góp phần làm cho dự trữ ngoại tệ đến nay đạt 63,5 tỷ USD, cao nhất từ xưa đến nay, vượt mức ranh giới an toàn và kỳ vọng còn đạt kỷ lục mới.

CPI bình quân 5 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hơn (3,01% so với 4,47%) và còn cách khá xa so với mục tiêu đề ra cho cả năm (4%).

Những cảnh báo

Bên cạnh những kết quả tích cực và tín hiệu khả quan, từ kinh tế 5 tháng và mục tiêu cả năm, cần cảnh báo một số vấn đề đáng quan tâm.

Về tăng trưởng sản xuất, nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục gặp khó khăn cả về vốn đầu tư, mức độ chế biến, cả về tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu, nên tốc độ tăng trưởng dù năm nay có cao hơn năm trước, nhưng không bền vững. Tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp, xây dựng có xu hướng chậm lại so với tốc độ tăng của quý I; vẫn có một nửa giá trị sản xuất là do khu vực FDI; tính gia công, lắp ráp vẫn còn lớn, nên phụ thuộc vào nhập khẩu. Nhóm ngành dịch vụ tuy tăng khá nhưng phụ thuộc vào xuất khẩu, mà có đến gần 3/4 kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI.

Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu là về số lượng, còn chất lượng tăng trưởng chuyển biến chậm. Hiệu quả đầu tư vẫn còn thấp, khi hệ số ICOR vẫn còn lớn, suất đầu tư tăng trưởng vẫn còn cao so với các nước trong khu vực, ở châu Á và trên thế giới. Năng suất lao động tuy đạt khá, nhưng còn thấp xa so với nhiều nước.

Kinh tế vĩ mô tuy có chuyển biến, nhưng chưa có sự cải thiện vững chắc. Tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch cả năm về vốn đầu tư từ ngân sách còn thấp. Cân đối ngân sách vẫn còn khó khăn khi thu từ sản xuất, kinh doanh đạt thấp, tỷ lệ chi trả lãi vay và vốn gốc đến hạn chiếm trong tổng chi, tổng thu còn lớn. Việc tăng tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài/GDP tuy đã được chặn lại, có loại đã giảm, nhưng vẫn còn lớn. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng còn cao. Giá tiêu dùng tuy tăng thấp, nhưng xu hướng sẽ cao lên trong các tháng tới, ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu cả năm. q