Kịp thời khởi tố điều tra nhiều vụ án dư luận xã hội quan tâm

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục Chương trình của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2020 của Viện trưởng.

Tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính
Năm 2020, tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngành Kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 84.271 vụ án hình sự, tăng 7,1% so với năm 2019, kiểm sát giải quyết 456.625 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, giảm 4,6% và 9 198 vụ án hành chính, tăng 04%.
Công tác tư pháp tiếp tục đạt kết quả tích cực, tuy nhiên, còn xảy ra những vi phạm pháp luật, ngành Kiểm sát đã ban hành 14.657 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa (tăng 2,3%).
Trước tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính nêu trên, để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Ngành, nhất là những chỉ tiêu, yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội và những kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại kỳ họp Thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành 06 chỉ thị và nhiều kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ mà trọng tâm là 03 nhóm giải pháp sau:
Chỉ đạo người đứng đầu các đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt và vượt 12 chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96. Xác định đây là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của các cấp kiểm sát, từng đơn vị có biện pháp thiết thực khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Ủy ban Tư pháp Quốc hội kiến nghị và có lộ trình bảo đảm thực hiện kịp thời, hợp lý Theo đó, VKSND tối cao đã sớm ban hành Kế hoạch thực hiện và sửa đổi Hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản của Ngành để phù hợp với Nghị quyết 96, tập trung hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục tồn tại, hạn chế.
 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao  Lê Minh Trí.
Xác định công tác cán bộ là khâu then chốt, đột phá để bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo đó, đã ban hành Chỉ thị tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng chất đội ngũ cán bộ, đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, theo đó, đã giảm 171 đơn vị cấp phòng (23,6%) và 517 biên chế (3,3% biên chế); chú trọng kiện toàn đội ngũ lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, trong đó, đã đề nghị và được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm 03 Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Đổi mới công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, thường xuyên rà soát, đánh giá đúng, thực chất cả mặt ưu, mặt hạn chế đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu để có cơ sở sắp xếp, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ hợp lý, hiệu quả, chú trọng điều động, bổ nhiệm, biệt phái lãnh đạo chủ chốt các cấp kiểm sát để tạo môi trường rèn luyện, thử thách và tạo động lực phấn đấu cho cán bộ Làm tốt công tác tuyển dụng, tuyển chọn và bổ nhiệm chức danh từ pháp, đã tuyển dụng 181 công chức, bổ nhiệm 796 Kiểm sát viên các ngạch.
Tăng cường các biện pháp chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội Xác định đây là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Ngành, là nhiệm vụ quan trọng nhất của các đơn vị giải quyết án hình sự Viện trưởng đã ban hành 02 chỉ thị về tăng cường giải pháp nâng chất lượng giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, tập trung kiểm sát chặt chẽ hơn các hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn thụ lý nguồn tin về tội phạm, chủ động tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định pháp luật, bảo đảm đúng thẩm quyền điều tra, chủ trì xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch nhằm quản lý thống nhất và chặt chẽ các vụ việc tạm đình chỉ, ban hành quy trình kiểm sát việc ghi âm, ghi hình có âm thanh, tăng cường các biện pháp nâng tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, phối hợp xử lý kịp thời các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, các “điểm nóng”, đảm bảo giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần thành công Đại hội Đảng bộ các cấp.
 Quốc hội nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2020 của Viện trưởng.
VKSND tối cao đã chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đã ban hành Chỉ thị tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án hình sự, phục vụ công tác phòng, chống dịch, chỉ đạo áp dụng một số biện pháp trong quản lý điều hành đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa thực hiện nhiệm vụ thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm toàn Ngành hoàn thành tốt các chỉ tiêu nghiệp vụ năm 2020 trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ đạo đổi mới, nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ đạo tập trung phát hiện, xử lý hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi phạm tội, ban hành bản án, quyết định trái pháp luật và các hành vi tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
Chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, nhất là trong lĩnh vực dân sự, hành chính. Yêu cầu Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, cấp huyện trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự, hành chính, phát hiện kịp thời và kiên quyết kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm pháp luật, kiểm sát chặt chẽ việc đưa người bị kết án phạt tù đi thi hành, ban hành Chỉ thị tăng cường kiểm sát việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế Đẩy mạnh công tác xử lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghỉ giám đốc thẩm, tái thẩm.
Năm 2020, ngành Kiểm sát triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao, khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế năm 2019, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Cụ thể là: Chất lượng công tác giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, hạn chế các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, ban hành hơn 103.100 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, tăng 9,6%; trực tiếp kiểm sát gần 1.300 cuộc tại Cơ quan điều tra. Kết quả, qua kiểm sát, Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố 791 vụ án, tăng 8,6% và hủy 30 quyết định khởi tố vụ án. Đồng thời, Viện kiểm sát trực tiếp quyết định khởi tố 22 vụ án, tăng 4,7%, hủy 72 quyết định không khởi tố vụ án và 62 quyết định khởi tố vụ án, tăng 21,5%... Qua đó, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Viện Kiểm sát đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thực hiện yêu cầu mọi trường hợp bị bắt, tạm giữ, tạm giam và các hoạt động điều tra phải có đủ căn cứ, đúng pháp luật. Theo đó, đã trực tiếp lấy lời khai hơn 35.000 người bị bắt, tạm giữ, trực tiếp kiểm sát hơn 70.000 hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra (tham gia 38.995 cuộc khám nghiệm hiện trường, 14.250 cuộc khám nghiệm tử thi, 5.795 cuộc đối chất, 6.048 cuộc nhận dạng, 2.324 cuộc khám xét, 2.665 cuộc thực nghiệm điều tra), ban hành 77.428 yêu cầu điều tra, tăng 16,2%, trực tiếp hỏi cung 68.324 bị can. Thông qua đó, đã không phê chuẩn 717 lệnh, quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam và hủy 716 quyết định tạm giữ thiếu căn cứ, trái pháp luật, yêu cầu bắt tạm giam 58 bị can, yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố điều tra 816 bị can.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết: Kết quả, chất lượng công tác điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm, sai sót giảm dần, cụ thể tỷ lệ bắt, tạm giữ, chuyển xử lý hình sự đạt cao (98%), tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng giảm 0,57% (ở cấp Trung ương giảm 7,1%), tỷ lệ truy tố đúng thời hạn vượt 9,99%, truy tố đúng tội danh vượt 4,9% chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội, tỷ lệ kháng nghi án hình sự cũng vượt chỉ tiêu của Quốc hội số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm 42,1% và chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số bị can (0,02%).
Công tác điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao hiệu quả hơn số vụ án được phát hiện, khởi tố và điều tra tăng 7,7%, tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt yêu cầu của Quốc hội, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 64,7%, tăng 11,9% và vượt chỉ tiêu của Quốc hội; kịp thời khởi tố điều tra nhiều vụ án dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp chấn chỉnh, phòng ngừa tội phạm, góp phần xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đã xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn. Ngành Kiểm sát tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Đặc biệt, chú trọng thực hiện biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong vụ án tham nhũng, kinh tế, chủ động kiến nghị Quốc hội hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong xác định hậu quả thiệt hại trong các vụ án về tham nhũng, chỉ đạo tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, dự báo tình hình tội phạm tham nhũng, đề ra giải pháp trong thời gian tới, tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác giải quyết các vụ án tham nhũng.
Kết quả, vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong giải quyết án tham nhũng tiếp tục được tăng cường, chất lượng giải quyết án tham nhũng được nâng lên, tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giảm, không xảy ra oan, sai, số tài sản được thu hồi lớn (hơn 32.273 tỷ đồng) và đạt 59%, tăng 5,2%. Đặc biệt, VKSND tối cao tiếp tục phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong năm 2020, ngành Kiểm sát đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm của cơ quan tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, ban hành 14.657 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa (tăng 2,3%). Trong đó, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm vượt 8,2%, tỷ lệ kháng nghỉ giám đốc thẩm, tái thẩm vượt 3,1% và tỷ lệ kiến nghị vượt 6,9% chỉ tiêu của Nghị quyết 96 của Quốc hội. Đặc biệt, trong năm 2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế nhiều giải pháp nhằm khắc phục vi phạm pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ giải quyết đạt cao (98,4%), số đơn đề nghị kháng nghỉ giám đốc thẩm, tái thẩm có hồ sơ được giải quyết đạt tỷ lệ 74,4%, vượt 14,4% chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội.
Một số hạn chế, thiếu sót và nguyên nhân
Theo Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí, năm 2020, ngành Kiểm sát đã khắc phục nhiều hạn chế, tồn tại của năm 2019, nhưng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại chưa được khắc phục triệt để, như còn để một số bị can phải đình chỉ do không phạm tội, Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội, tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng mặc dù tăng 5,2% nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao và tỷ lệ kháng nghị đối với án hành chính được chấp nhận chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội.
Những hạn chế, thiếu sót trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, cụ thể là: Một số Kiểm sát viên trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm công việc chưa cao, còn hạn chế về năng lực (vấn đề này Viện trưởng VKSND tối cao đã tập trung chỉ đạo nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên, đang trong lộ trình thực hiện khắc phục). Một số quy định mới của pháp luật chưa được nhận thức và áp dụng thống nhất nhưng chưa được hướng dẫn, giải thích kịp thời (đã nêu trong Báo cáo đầy đủ).
Các vụ án, vụ việc tiếp tục tăng nhiều trong các lĩnh vực (hình sự tăng 7,1%, hành chính tăng 4%), nhiều nhiệm vụ của Viện kiểm sát tăng theo quy định của pháp luật, trong khi số lượng biên chế chưa đáp ứng với khối lượng, yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra nhưng chấp hành thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị các đơn vị đều phải tiếp tục giảm biên chế (năm 2019, năm 2020, đã giảm 1.022 biên chế, chiếm 6,3% tổng biên chế toàn Ngành). Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ của toàn Ngành.
Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2011 của ngành Kiểm sát
Năm 2021, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt và tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm, đột phá mà thực tế đã tạo sự chuyển biến tích cực trong năm 2020 và những năm trước đây Đồng thời, tập trung thực hiện tốt 05 nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong Báo cáo số 198/BC-VKSTC ngày 06/10/2020.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh: Thông qua công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND tối cao trận trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan một số vấn đề. Theo đó, Quốc hội quan tâm chỉ đạo hơn nữa công tác giải thích, hướng dẫn những quy định pháp luật còn có nhận thức khác nhau giữa các cơ quan tư pháp (đã nêu trong báo cáo đầy đủ). Bên cạnh đó là tăng cường giám sát chuyên đề, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các cơ quan tư pháp Trung ương, Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh những yêu cầu, kháng nghị và kiến nghị của Viện kiểm sát nhằm khắc phục, phòng ngừa nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm Tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp, trong đó có Viện kiểm sát để đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, xây dựng chế độ, chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành Kiểm sát nhân dân, nhằm bảo đảm điều kiện để thực hiện tốt, chức năng nhiệm vụ của ngành Kiểm sát.
Trên đây là Báo cáo tóm tắt công tác của Viện trưởng VKSND tối cao tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, kính trình Quốc hội./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần