Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XV: Thông qua 14 nghị quyết chuyên đề quan trọng

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/12, tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP khóa XV đã thảo luận, thông qua nhiều Nghị quyết chuyên đề quan trọng, liên quan đến danh mục thu hồi đất năm 2020, một số mức chi thuộc thẩm quyền, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2020, quy định về mức thu học phí năm học 2020 - 2021, tạm dừng sáp nhập các tổ dân phố...

 Các đại biểu ấn nút thông qua nghị quyết. Ảnh: Phạm Hùng

Giảm 1.000 biên chế sự nghiệp
Nghị quyết về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp TP Hà Nội năm 2020 đã được HĐND TP quyết nghị thông qua. Trong đó, tổng biên chế hành chính là 9.479 biên chế, trong đó, 8.042 biên chế công chức (giảm 185 biên chế so với năm 2019); biên chế sự nghiệp là 142.564 biên chế, trong đó, 122.765 biên chế viên chức; lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP 10.869 chỉ tiêu; lao động hợp đồng theo định mức là 8.930 chỉ tiêu.
Trước đó, trong tờ trình về vấn đề này, nêu kế hoạch sử dụng biên chế năm 2020, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Biên chế sự nghiệp năm 2020 giảm 1.000 biên chế so với năm 2019. Cụ thể, giảm 3.721 biên chế hưởng lương ngân sách do chuyển 19 đơn vị sự nghiệp chuyển sang tự chủ chi thường xuyên; giảm 51 biên chế tại đơn vị sự nghiệp khác (theo tỷ lệ giảm 2%). Lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP giảm 405 chỉ tiêu so với năm 2019; lao động hợp đồng theo định mức không thay đổi so với năm 2019.
Ngoài ra, kế hoạch sử dụng biên chế năm 2020 có tăng 2.692 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ và một phần dự phòng phát sinh năm 2020, tạm thời đưa vào Quỹ dự phòng biên chế và sẽ phân bổ cho các trường trên cơ sở định mức và kết quả thực tế tuyển dụng đối với các giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách còn tiếp tục phải giải quyết.
Học phí tiểu học, THPT chất lượng cao tăng thêm 400.000 đồng/tháng
HĐND TP đã thông qua Nghị quyết quy định mức trần học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô năm học 2020 - 2021. Theo đó, mức trần học phí đối với bậc tiểu học là 5,5 triệu đồng/tháng, bậc THPT là 5,7 triệu đồng/tháng, tăng 400.000 đồng so với năm 2019 – 2020. Riêng ở bậc mầm non và THCS giữ nguyên, cụ thể bậc mầm non giữ ở 5,1 triệu đồng/tháng; bậc THCS giữ nguyên 5,3 triệu đồng/tháng.
Trên cơ sở mức trần học phí, hàng năm, thủ trưởng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa bàn, cùng với cam kết thực hiện chất lượng giáo dục cao theo tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, kết quả kiểm định và mức hỗ trợ của ngân sách để quyết định mức thu học phí cụ thể sau khi có sự thống nhất văn bản của UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD&ĐT theo phân cấp quản lý.
Trong tờ trình trước đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, đến tháng 11/2019, toàn TP có 19 trường chất lượng cao được công nhận, trong đó có 14 trường công lập (7 trường mầm non, 2 trường Tiểu học, 4 trường THCS và 1 trường THPT) và 5 trường ngoài công lập.
Hỗ trợ nhân rộng dự án mô hình giảm nghèo
Nghị quyết về Chính sách hỗ trợ và mức chi quản lý các dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn TP Hà Nội nêu rõ, đối tượng áp dụng của Nghị quyết là hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội hiện đang sản xuất nông nghiệp, chưa nhận hỗ trợ từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của ngân sách TP đối với nội dung của dự án. Ưu tiên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, người khuyết tật còn khả năng lao động thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Các đối tượng tham gia dự án được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn và cây, con giống và các vật tư thiết yếu. Mức hỗ trợ tối đa cho 1 dự án là 500 triệu đồng (đã bao gồm chi phí quản lý dự án). Thời gian hỗ trợ, định mức kinh tế kỹ thuật đối với giống và vật tư thiết yếu thực hiện theo quy định tại Quyết định số 54/QĐ-BNN-KHCN, ngày 9/1/2014, của Bộ NN&PTNT. Mức chi quản lý dự án là 2% tổng kinh phí thực hiện dự án.
Nghị quyết này được ban hành sẽ là cơ sở hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu đến 2020 TP không còn hộ nghèo.
Thông qua một số chính sách hỗ trợ làng nghề
Nghị quyết về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề TP Hà Nội đã được HĐND TP nêu rõ: Thứ nhất, hỗ trợ đánh giá tác động môi trường: Làng đề nghị công nhận và làng nghề đã được công nhận “Làng nghề, Làng nghề truyền thống” thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ được TP hỗ trợ 200 triệu đồng/làng nghề để thực hiện việc đánh giá tác động môi trường.
Thứ hai, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể. Nội dung, mức hỗ trợ hỗ trợ bao gồm: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng và phát triển thương hiệu; Tư vấn chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho thương hiệu làng nghề; Đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng cho thương hiệu làng nghề. Hỗ trợ các hoạt động truyền thông, marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề; Tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của TP. Mức hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/nội dung, 1 làng nghề được đăng ký tối đa 5 nội dung.
Hiện tại, Hà Nội có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận, trong đó, có 233 làng (bằng 75,65%) thuộc danh mục ngành nghề phải thực hiện đánh giá tác động môi trường được quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, ngày 14/02/2015 của Chính phủ. Ngoài ra, trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề (với 47 nghề), đa số các làng có nghề thuộc danh mục phải đánh giá tác động môi trường được quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Thống nhất một số mức chi thuộc thẩm quyền
HĐND TP cũng đã thông qua một số nội dung, định mức chi thuộc thẩm quyền quyết định. Trong đó, đối với quy định nội dung, mức chi xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án không phải là nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhưng có tính chất tương tự sẽ áp dụng với các: Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức sử dụng kinh phí do ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Trong nghị quyết cũng đưa ra những mức chi cụ thể với các hoạt động như hội thảo, tọa đàm...; mức chi bồi dưỡng cho lực lượng công an, quân đội và các lực lượng phối hợp khác không hưởng lương ngân sách Nhà nước tham gia bảo vệ an ninh trật tự trong các ngày lễ, Tết... Trong đó, về mức chi bồi dưỡng nhân chứng lịch sử tại các cuộc đi lấy thông tin, tư liệu để phục vụ công tác lưu trữ tư liệu lịch sử của Đảng bộ TP là 2.000.000 đồng/người.
Đồng thời, quy định rõ về mức chi đối với các đối tượng không phải là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước đi nước ngoài theo chủ trương được phê duyệt của UBND TP; đối với học sinh Hà Nội tham gia các kỳ thi quốc tế tố chức tại nước ngoài...
Chính thức đặt tên Đinh Núp cho tuyến phố tại quận Cầu Giấy
HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, có 31 tuyến đường, phố mới tại 12 quận, huyện trên địa bàn TP được đặt tên. Cụ thể, quận Bắc Từ Liêm (3 đường, phố): Đường Cầu Noi, đường Đông Thắng và phố Nguyễn Xuân Khoát. Quận Cầu Giấy (3 phố): Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Linh, Đinh Núp. Quận Đống Đa (2 phố): Ô Đồng Lầm; Nguyễn Văn Tuyết. Quận Hà Đông (2 đường, phố): Đường Dương Nội và phố Nguyễn Văn Trác. Quận Hoàng Mai (1 phố): Hưng Thịnh. Quận Long Biên (7 phố): Gia Thượng, Bùi Thiện Ngộ, Nguyễn Văn Ninh, Ngô Huy Quỳnh, Ngô Viết Thụ, Trần Văn Trà , Đinh Đức Thiện. Quận Tây Hồ (2 phố): Tứ Liên, Vũ Tuấn Chiêu. Huyện Gia Lâm (3 phố): Thành Trung, Đoàn Quang Dung và Nguyễn Khiêm Ích. Huyện Hoài Đức (1 đường): Vạn Xuân. Huyện Mê Linh (5 đường): Mê Linh, Đại Thịnh, Lê Chân, Hồ Đề và Bát Nàn. Huyện Quốc Oai (1 đường): 17 tháng 8. Huyện Thanh Trì (1 đường): Vũ Lăng.
Đáng chú ý, tên phố Đinh Núp (tên thật của anh hùng Núp), biểu tượng của ý chí Việt Nam anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đã được đặt cho đoạn ngã ba giao cắt phố Nguyễn Chánh (tại ô đất A5 đến A7) đến ngã tư giao cắt phố Tú Mỡ tại điểm đối diện tòa chung cư CT4 Vimeco (quận Cầu Giấy).
Nghị quyết cũng quyết nghị việc điều chỉnh độ dài của 5 tuyến đường, phố gồm: Phố Nguyễn Văn Lộc (quận Hà Đông), đường Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng), phố Thi Sách (quận Hai Bà Trưng), phố Huỳnh Văn Nghệ (quận Long Biên) và phố Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần