Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV: Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm năm 2020

Linh Nguyễn - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/12 - ngày làm việc thứ hai Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận tại hội trường và thông qua Nghị quyết về kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2019, kế hoạch phát triển KT - XH năm 2020 của TP.

Toàn cảnh phiên họp ngày 4/12. Ảnh: Phạm Hùng
22 chỉ tiêu, 10 nhóm nhiệm vụ phát triển KT - XH
Nghị quyết xác định 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT - XH năm 2020 và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, TP xác định công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, với việc tập trung triển khai chuẩn bị Đại hội (ĐH) Đảng bộ các cấp tiến tới ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, TP sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp, thu hút đầu tư; đẩy mạnh tăng trưởng, kiên trì các giải pháp cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đơn giản hóa TTHC, giảm thời gian và chi phí cho DN. Đồng thời, đẩy nhanh thành lập các cụm công nghiệp để thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đổi mới công nghệ, chủ động tham gia và tận dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phấn đấu lượng khách du lịch năm 2020 tăng 10 - 10,5%...
22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT - XH năm 2020: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): trên 7,5%; GRDP bình quân đầu người: trên 136 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn: trên 10,5%; Tốc độ tăng tổng kim ngạch XK: trên 8%; Tỷ lệ bao phủ BHYT: 90,1%; Tỷ lệ lao động tham gia BHXH bắt buộc và BHTN: 95%; Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn (tiêu chuẩn nước sạch đô thị) đạt 100%; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới tăng thêm: 15 xã; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%...
Trong nhóm giải pháp tăng cường quản lý quy hoạch (QH), trật tự xây dựng đô thị, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, TP sẽ khẩn trương lập QH phát triển TP giai đoạn 2021 - 2030, đẩy nhanh QH đô thị vệ tinh, QH phân khu, QH cải tạo chung cư cũ. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhất là tuyến đường sắt, đường vành đai, trục hướng tâm; hoàn thiện phê duyệt Đồ án QH bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Cùng với đó, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 100% tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch; 100% cụm CN có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường...
Bên cạnh đó, TP đặt ra nhiệm vụ phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong đó, đẩy mạnh CVĐ xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi thực hiện “Quy tắc ứng xử của CBCCVC, người lao động cơ quan TP” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP”; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và DN, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động...
Bổ sung nhiều dự án giao thông quan trọng
Sáng 4/12, HĐND TP Hà Nội đã quyết nghị thông qua 2 nghị quyết về bổ sung danh mục dự án đầu tư công.
Trong đó, Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP Hà Nội, đã phê duyệt chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP bao gồm: 6 dự án nhóm B; 4 dự án trọng điểm nhóm C, được lập, thẩm định, trình phê duyệt chủ trương đầu tư theo chỉ đạo của UBND TP, dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến: 2.123,314 tỷ đồng. Trong đó có 5 dự án giao thông là: Nâng cấp, mở rộng QL32 trên địa bàn huyện Ba Vì - giai đoạn 1 (đoạn qua thị trấn Tây Đằng); Nâng cấp, mở rộng QL21B đoạn từ thị trấn Kim Bài tới nút giao Ngã tư Vác, huyện Thanh Oai; Cải tạo, nâng cấp TL413 đoạn từ Km0 - Km5+900, thị xã Sơn Tây; Cải tạo, nâng cấp TL414 (đoạn từ ngã ba Vị Thủy đi Xuân Khanh), thị xã Sơn Tây; Xây dựng, khớp nối đường giao thông khu chức năng đô thị Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm.
Nhu cầu vốn thực hiện các dự án được cân đối từ nguồn 2.500 tỷ đồng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 cấp TP, đã được HĐND TP thông qua tại Nghị quyết số 08/NQ - HĐND ngày 4/12/2018. Năm 2020 dự kiến bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư khoảng 42 tỷ đồng, phần còn lại sẽ cân đối trong giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị quyết về Cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 cấp TP; đưa dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) cũng được thông qua.
Dự án xây dựng tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo là công trình có tính chất quan trọng trong mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần kết nối các khu vực đô thị, giảm UTGT trên địa bàn. Dự án đã được HĐND TP đưa vào danh mục công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2016 - 2020.
Hiện dự án đang trong quá trình thực hiện các thủ tục để phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, theo đó tổng mức đầu tư của dự án dự kiến điều chỉnh là 35.679 tỷ đồng, làm tăng mức vốn mà TP phải vay lại của Chính phủ cũng như tăng phần vốn đối ứng mà ngân sách TP phải đảm bảo. Trong điều kiện cân đối các nguồn lực của TP hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho dự án không vượt quá hạn mức vay nợ của TP. Khả năng cân đối ngân sách TP để đáp ứng nhu cầu vốn đối ứng cho dự án phù hợp với dự kiến Kế hoạch tài chính trung hạn của TP giai đoạn 2021 -2025.