Nghị trường HĐND TP Hồ Chí Minh "nóng" vấn đề dân sinh

Bài, ảnh: Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, các đại biểu (ĐB) thảo luận về các vấn đề KT-XH của TP.

Những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm đều từ vấn đề dân sinh bức xúc như xả rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường, bảo tồn di sản…
Xả rác làm… "nóng" nghị trường!
Trong 1 buổi sáng của phiên thảo luận, có 4 ĐB đề cập đến vấn đề văn minh đô thị, cụ thể là việc xả rác bừa bãi của một bộ phận cư dân đô thị.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh.
ĐB Nguyễn Thị Việt Tú cho rằng, xả rác là một phần nguyên nhân gây ngập nước, ý thức của người dân chưa cao. Xả rác bừa bãi, vứt rác thải xuống cống đã ngăn dòng thoát nước. ĐB Tú cũng dẫn lại hình ảnh một công nhân ngành vệ sinh nói trong nước mắt khi kể về nỗi nhọc nhằn của nghề (một hình ảnh từ chương trình đối thoại của HĐND TP, gây xúc động trên cộng đồng mạng xã hội).
Tiếp đó, ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cũng dẫn lại hình ảnh những công nhân thoát nước làm công tác duy tu, nạo vét cống thoát nước phải làm trong môi trường độc hại, nặng nhọc. “Cư dân TP đã góp phần vào nỗi cực nhọc của những công nhân ấy, chung quy do ý thức người dân kém. Nếu người dân có lỗi 1 phần thì cơ quan quản lý lỗi đến 10 phần. Quản lý Nhà nước đóng vai trò quyết định nên cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc và có biện pháp hiệu quả hơn. Tôi có cảm giác chúng ta làm như phong trào nên không thể xây dựng, nâng cao ý thức của người dân. Do đó, chính quyền thành phố cần tổ chức phân loại rác tại nguồn, thực hiện giải pháp nâng cao ý thức của người dân. Đồng thời xem xét, điều chỉnh thu nhập đối với những công nhân trực tiếp “dấn thân” vào làm công việc duy tu, nạo vét cống”, ĐB Tố Trâm thẳng thắn đánh giá và đề xuất.
Tương tự, ĐB Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng vấn đề xả rác được đề cập từ lâu những vẫn kéo dài, không tạo sự chuyển biến về hình ảnh TP Hồ Chí Minh văn minh sạch đẹp. Mong mỏi của cử tri là sự chuyển biến thực sự, chứ không phải chỉ là phát biểu trong các cuộc họp. Ở những nơi có tổ chức các hoạt động, sự kiện thì y như rằng sau khi kết thúc là nơi đó gần như một đường rác. Công nhân vệ sinh phải làm việc cật lực đến gần 4 giờ sáng mới thu gom xong số rác đó.
“Cần tạo ra một hiệu ứng xã hội mạnh mẽ hơn nhằm chuyển biến rõ rệt ý thức người dân thành phố, bởi nếu không có biện pháp chế tài mạnh mẽ thì tiếp tục dừng ở chỗ… bàn luận”, ĐB Như Khuê nói.
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm phát biểu.
Sau khi nghe các ĐB thảo luận về vấn đề xả rác, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết lượng rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố mỗi năm tăng khoảng 6%. Ước tính đến năm 2020, mỗi ngày phát sinh khoảng 11.000 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện nay, lượng rác công cộng mỗi ngày thải ra trên địa bàn khoảng 2.000 tấn. Nếu chúng không được thu gom, xử lý kịp thời thì đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường; đồng thời trôi xuống cống làm tắc nghẽn.
Về hướng ra cho rác thải công cộng, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng bên cạnh việc vận động tuyên truyền, giải thích cho người dân thì phải có biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm, hành vi xả rác với mức phạt tối đa đến 700.000 đồng. Hiện nay, mức phạt đã tăng cao với mức tối đa lên đến 7 triệu đồng. Cùng với đó, thẩm quyền xử phạt được mở rộng đến cấp phường. Mặc dù hành lang pháp lý đã có nhưng làm thế nào để thực hiện thì chưa có lối ra.
ĐB Phan Thị Thắng - Giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Tôi thống nhất với việc thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác và đẩy mạnh việc xử phạt đối với các hành vi xả rác nơi công cộng. Ở góc độ tài chính, có thể dùng toàn bộ số tiền thu được từ việc phạt để chi cho hoạt động của lực lượng xử phạt. Thậm chí, nếu thiếu thì đề nghị HĐND TP tính toán có thêm nguồn kinh phí khác cho lực lượng xử phạt, xử phạt thật nghiêm để thay đổi hành vi của người dân”.
Dân bức xúc vì Dinh thượng thư sắp bị đập
Một câu chuyện cụ thể khác cũng đã làm nóng nghị trường, đó là số phận của công trình kiến trúc Dinh Thượng thư (hiện là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông, tọa lạc tại 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1, gần 160 năm tuổi - PV) đang có nguy cơ bị đập bỏ để thực hiện dự án nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP Hồ Chí Minh.
Dinh Thượng thư - công trình kiến trúc gần 160 năm, nay là sở Thông tin - Truyền thông có nguy cợ bị đập bỏ.
ĐB Đinh Thị Thanh Thủy cho rằng: “Các công trình, di tích, di sản văn hóa cần bảo tồn được liệt kê trong danh mục kiểm kê di tích theo Luật Di sản 2013. Trước khi có Luật Di sản 2013, vào năm 2001 Sở Văn hóa thông tin lúc ấy đã rà soát và lập danh mục di tích văn hóa cần bảo tồn, tôn tạo. Không hiểu vì sao chúng ta đã ứng xử với các di sản văn hóa như thế nào để gây bức xúc như trường hợp Dinh thượng thư vừa rồi”
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cũng cùng quan điểm: “Nếu làm dự án phát triển mà đập bỏ một công trình văn hóa với lý do công trình không nằm trong danh mục bảo tồn thì rất khó thuyết phục. Di sản văn hóa là tài sản vô giá. Nếu nhiều di sản bị xâm hại thì nghĩa là chúng ta đang nghèo đi về văn hóa… Trước khi quyết định đến số phận một di sản, các cơ quan quản lý nên lắng nghe các nhà khoa học”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Vụ này lãnh đạo thành phố quan tâm, dư luận rất quan tâm, Sở VHTT cần trả lời đại biểu. Thành phố cần dành ngân sách để bảo tồn các di sản văn hóa. Cách trả lời như vừa qua, rằng Dinh Thượng thư không nằm trong danh sách nên không bảo tồn đã gây bức xúc cho xã hội”.