Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX: Vì sao vai trò khoa học công nghệ mờ nhạt?

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/7, ngày làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hồ Chí Minh dành trọn một một ngày để các đại biểu (ĐB) chất vấn các sở ngành.

Gần trọn buổi sáng 12/8 đã có 18 ĐB chất vấn ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) vì sao vai trò của KHCN mờ nhạt trong sự phát triển chung của thành phố ?
Mờ nhạt vì thiếu đầu tư
Theo đánh giá chính thức của UBND TP Hồ Chí Minh trong báo cáo tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm thì vai trò của KHCN mờ nhạt, đóng góp chưa rõ… Đây cũng là mối quan tâm của rất nhiều ĐB HĐND thành phố.
 Ông Nguyễn Việt Dũng trả lời chất vấn
Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KHCN, đã có gần 300 đề tài nghiên cứu KHCN với tổng giá trị tài trợ nghiên cứu khoảng 300 tỉ đồng, trong đó 90% đã chuyển giao ứng dụng và 33% trong số đó đã được đưa vào sản xuất… Như vậy, đầu tư mỗi đề tài nghiên cứu KHCN chỉ khoảng 1 tỷ đồng. Trong khi đó ở Nhật Bản, mỗi đề tài nghiên cứu thường có giá trị đầu tư nhiều triệu USD, vì vậy chất lượng sẽ khác.
Ông Nguyễn Việt Dũng cũng thông tin, mặc dù có những khó khăn về vốn đầu tư, thủ tục, chính sách nhưng đáng mừng là việc nghiên cứu KHCN của thành phố đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đã có những đề tài nghiên cứu được doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm muốn mua…; đã có sự kết nối nghiên cứu KHCN giữa các trường đại học với các doanh nghiệp…
Sau khi nghe phần trả lời chất vấn ban đầu của ông Nguyễn Việt Dũng, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã đặt vấn đề: “ Việc nghiên cứu KCN có gắn với yêu cầu thực tiễn của thành phố hay không ? Vì sao nhiều vấn đề lớn của thành phố chưa giải quyết được ?”. Một số ĐB khác cũng chất vấn thêm về việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học đối với sinh viên, các nhóm khởi nghiệp…
Sau khi nghe phần chất vấn bổ sung, ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng: “Chúng tôi muốn đột phá nhưng vào thực tiễn không đơn giản như vậy. Vốn dành cho nghiên cứu khoa học, đầu tư đổi mới công nghệ… hàng năm của thành phố khoảng 1500 tỷ, nhiệm kỳ trước chi cho nghiên cứu khoa học là 7% nay đẩy lên 15 %. Hàng năm tiền chi cho nghiên cứu khoa học toàn thành phố khoảng 200 tỷ, trong khi đó, ở các quốc gia phát triển họ chi từ 2-6 % GDP cho nghiên cứu khoa học chứ không phải là 2% của ngân sách dành cho KHCN… Ông Nguyễn Việt Dũng cũng cho biết, các quỹ đầu tư mạo hiểm có sẵn tiền nhưng họ ngại thủ tục ở Việt Nam, vấn đề làm sao để rót vốn nhanh gọn chứ không phải là thiếu vốn. Năm 2017 thành phố chỉ nhận được 290 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, trong khi thị trường đầu tư mạo hiểm vào KHCN một năm của khu vực lên đến nhiều tỉ USD. Do cơ chế chính sách phức tạp nên nhiều nhóm nghiên cứu, khởi nghiêp sang Singapore thành lập doanh nghiệp vì bên đó thủ tục nhanh gọn và dễ dàng hơn.
 Toàn cảnh hội trường phiên chất vấn
Về vấn đề hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học trong sinh viên, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, một đề tài được tuyển chọn sẽ được hỗ trợ kinh phí 150 triệu để nghiên cứu, so với thế giới đó là con số khá tốt.
Thiếu ràng buộc doanh nghiệp FDI nại khó không chuyển giao công nghệ
ĐB Trương Lâm Danh phản ánh có thông tin doanh nghiệp trong khu công nghệ cao tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng không cao. Một số đại biểu khác đề nghị cho biết tình hình chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp (FDI).
Ông Nguyễn Việt Dũng thừa nhận là có những hạn chế trong việc doanh nghiệp công nghệ cao nhưng sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng không cao. Đồng thời ông Dũng cũng thừa nhận là việc chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp FDI là rất hạn chế. Nguyên nhân là do các ràng buộc ban đầu khi ký hợp đồng. Ông Dũng cũng dẫn lại kinh nghiệm ở Pháp và Úc đó là khi ký hợp đồng đầu tư họ ràng buộc rất rõ ràng về lộ trình chuyển giao công nghệ, đến thời điểm theo quy định mà không chuyển giao sẽ bị xử phạt. Doanh nghiệp FDI không thể nại lý do là doanh nghiệp trong nước không sản xuất được con ốc vít để từ chối chuyển giao công nghệ. Nếu doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được việc tiếp nhận công nghệ, doanh nghiệp FDI phải có trách nhiệm đào tạo để họ có thể tiếp nhận được công nghệ. “Nếu chúng làm rõ ràng ngay từ đầu thì công tác quản lý nhà nước không phải nhức đầu như hiện nay” – ông Dũng bày tỏ quan điểm.
Về nhóm các giải pháp hỗ trợ phát triển KHCN, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết thành phố có nhiều giải pháp thiết thực, trong đó phải kể đến chương trình tạo ra một hệ sinh thái phát triển khoa học công nghệ đang được triển khai…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần