[Kỹ năng sống] 5 cách giúp cân bằng cuộc sống hôn nhân

Nam Ngư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi kết hôn, chúng ta thường có những kế hoạch để trở thành đối tác bình đẳng của nhau. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống khiến mọi kế hoạch đều bị đảo lộn khi chúng ta phải thay đổi những thói quen vốn có từ thời độc thân.

Vấn đề lớn nhất là chúng ta cảm thấy có sự không công bằng trong việc phân chia lao động trong nhà. Kiểu như: Tại sao tôi phải vừa trông con vừa ủi đồ trong khi chồng ngồi xem chương trình thể thao yêu thích?... Dưới đây là 5 cách giúp cân bằng cuộc sống hôn nhân.

Coi nửa còn lại như một đối tác kinh doanh: Nghe có vẻ không lãng mạn, nhưng các cặp vợ chồng sắp cưới cần nghĩ mình là đối tác làm ăn, cùng nhau điều hành công việc của một gia đình. Thay vì cho rằng mỗi người sẽ có trách nhiệm ngang nhau tại mọi thời điểm, thì nó có thể không đồng đều nhưng liên tục thay đổi. Chẳng hạn, một trong hai người sẽ làm nhiều việc hơn người kia để giữ cho mọi thứ luôn ổn định, rồi vào thời điểm khác tình hình sẽ lật ngược.

Nói rõ những gì bạn cảm thấy: Sự bực bội mà nhiều bà mẹ cảm thấy thường đến từ những công việc nhà mà họ bị mặc định đó là việc của mình. Thay vì ấm ức trong người, thì hãy bày tỏ cảm xúc của bạn mà không đổ lỗi: “Tôi đang cảm thấy quá tải vì tôi đang lên kế hoạch cho bảy bữa ăn tối một tuần” hoặc “Tôi cảm thấy căng thẳng vì luôn phải theo dõi hình thức học ở trường của bọn trẻ”. Sau đó, đưa ra một số giải pháp: “Tôi cần bạn là người lưu giữ giấy tờ y tế của bọn trẻ”.

Lập danh sách việc cần làm chính: Bên cạnh những nhiệm vụ hiển nhiên như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái, thanh toán các loại hóa đơn,... thì bạn có thể thêm vào danh sách những công việc khác như: quản lý thời gian sử dụng thiết bị trong nhà, nghiên cứu các lớp học thêm về nhạc, nghệ thuật cho con... Bạn không chỉ là đối tác kinh doanh, mà còn là đối tác thương mại, trao đổi dịch vụ, dưới hình thức công việc gia đình, và trước tiên bạn phải biết chính xác tất cả những dịch vụ đó là gì.

Làm những gì bạn giỏi: Khi đã có danh sách việc cần làm, hãy phân chia theo thế mạnh của mỗi người, ai giỏi việc gì làm việc đó. Ví dụ nếu chồng bạn giỏi việc quản lý chi tiêu thì đừng ngại để anh ấy làm nó. Việc phân chia đúng người đúng việc sẽ giúp mọi thứ suôn sẻ và tiết kiệm thời gian của cả hai. Nếu bạn cảm thấy rằng đối tác của mình không hoàn thành nhiệm vụ theo tiêu chuẩn của bạn, bạn có thể xem lại kế hoạch, góp ý tiếp tục hoặc thuê ngoài.

Lên lịch họp hàng tuần: Hãy dành ra 30 phút để xem xét lại kế hoạch của một tuần, đồng thời giải quyết những vấn đề đã diễn ra trong tuần. Thay vì cằn nhằn hay than phiền khi đụng chuyện, hãy thảo luận về chúng khi bạn bình tĩnh và lạc quan.