Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Kỹ năng sống] Chia sẻ việc nhà

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến chơi nhà con gái, thấy chị tay bế con, tay nấu cơm, bà bảo: “Thế bố nó đâu mà hai mẹ con phải tha lôi nhau thế”.

Như được dịp, chị than thở: “Anh ấy suốt ngày chỉ đi làm, rồi đi làm, nào có hộ được cái việc gì”. “Thế thì có gì mà phải phàn nàn con, bởi trong môi trường xã hội phức tạp như hiện nay, việc chồng nghiện công việc thay vì nghiện các thứ khác như gái, rượu chè... cũng là đáng mừng mà”. “Nhưng mẹ tính, cả hai cùng đi làm, nhưng về nhà thì con đủ thứ việc, anh ấy nào có giúp được gì” - chị tiếp tục than thở.
 Ảnh minh họa.
Vừa lúc đó, anh đi làm về, nghe thế liền nói: “Nhưng mẹ biết không, con cũng biết việc nhà nặng nhọc, nên cũng từng bỏ những thú giải trí nho nhỏ như xem ti vi, đọc sách để giúp vợ công việc bếp núc. Nhưng thấy con làm việc lóng ngóng thì cô ấy ngứa mắt, quát lên. Lần nào cô ấy cũng chê rửa rau nát quá và không ngớt chê bai các món ăn con nấu... Thế thì để cô ấy làm luôn cho đúng ý”.
Bà quay sang con gái cười: “Đấy, con thấy chưa. Để chồng sẻ chia công việc, chính người vợ cũng phải học cách đấy. Không ai giỏi ngay từ đầu. Con nên cùng chồng chia sẻ những khó khăn, vui buồn thay vì chỉ ca thán, chỉ trích. Hơn nữa, phụ nữ cần tạo bầu không khí ấm cúng, vui vẻ, chan hòa trong gia đình, khiến người chồng sáng háo hức đi, tối hăm hở về”.
Câu chuyện ấy có lẽ không phải là cá biệt mà đang diễn ra ở không ít mái ấm. Trong cuộc sống hiện nay, với suy nghĩ hiện đại, quan điểm phụ nữ chỉ lo chuyện nội trợ trong gia đình, đàn ông gánh vác việc xã hội và là trụ cột kinh tế của gia đình đã thay đổi nhiều. Hiện tượng chồng rửa bát, nấu cơm, giặt giũ quần áo cho vợ lúc bận rộn đã không còn là chuyện hiếm...
Dù rằng, những “ông chồng trốn việc nhà” cũng không ít và họ vẫn mặc nhiên cho rằng, vai trò của người phụ nữ trong gia đình phải tề gia nội trợ. Nhưng như một nghịch lý, nhiều người chồng vẫn trở thành "khách" trong nhà bởi có vợ quá đảm đang, lúc nào cũng muốn công việc theo ý mình. Thay vì lôi kéo chồng vào việc nhà, họ lại không ngừng chỉ trích, chê bai, khiến người chồng không còn thiết tha với việc “sẻ chia gánh nặng việc nhà” cùng vợ.
Bởi thế, như các chuyên gia đã khuyên, những lời động viên, khen ngợi, khích lệ sẽ giúp cho những người chồng cảm thấy phấn khích mỗi khi được làm việc nhà cùng vợ. Hơn nữa, vừa làm việc, cả hai cùng trò chuyện vui vẻ về những chuyện lặt vặt trong cuộc sống, về việc học tập của con… Như vậy, công việc sẽ được giải quyết nhanh mà người chồng không có cảm giác “bị”, “phải” chia sẻ việc với vợ. Khi người chồng biết thông cảm, biết chia sẻ công việc nhà với mình, người phụ nữ sẽ cảm thấy an tâm hơn trong công việc cũng như cuộc sống.
Hơn nữa, nếu một trong hai người thờ ơ với việc nhà đồng nghĩa với vô tình đánh mất đi những khoảng thời gian quý báu của gia đình, dẫn đến nhiều sứt mẻ trong hạnh phúc. Dù chia sẻ việc nhà không phải là vấn đề quá lớn, nhưng chính những vụn vặt trong cuộc sống gia đình, nếu được sẻ chia, được cùng gánh vác, hạnh phúc cũng theo đó phát triển thêm.