Kỹ năng sống: Chớ coi là chuyện nhỏ

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi khi nói chuyện về con chị lại phàn nàn, con chị đang trở thành “gà công nghiệp” trong vòng quay bất tận ăn - ngủ - học - chơi game - xem tivi.

Nhưng buồn nhất là chuyện chúng quá ích kỷ. Đi học về là quẳng cặp sách, vứt quần áo tứ tung, ăn uống xong vứt rác trên bàn. Nhờ việc gì thì chúng xị mặt rồi lảng đi. Chị kể nhiều lúc tủi thân rơi nước mắt khi mẹ hì hục làm, còn các con ung dung ngồi chơi game, đến bữa có khi còn bĩu môi chê bai nếu không vừa miệng.
 Ảnh minh họa
Câu chuyện của chị có lẽ cũng không phải là cá biệt. Việc bố mẹ ôm ấp, bao bọc con quá kỹ thậm chí đang rất phổ biến. Có nhiều đứa trẻ đã 7 - 8 tuổi mà bố mẹ vẫn còn đút cơm tận miệng hay mặc giúp quần áo. Cho nên mới có những đứa trẻ hơn 10 tuổi vẫn quen “thay đồ tại chỗ”, không tự chải tóc, không biết cột dây giày. Thậm chí trẻ đã lớn vẫn không biết cách tắm rửa nên cứ ới gọi bố mẹ khi cần. Trong các cuộc nói chuyện về kỹ năng sống, nhiều chuyên gia cho rằng, trẻ được “úm” quá kỹ sẽ tự lập kém, sống ích kỷ và vô tâm.
Do đó, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ nên tập cho con làm việc nhà. Tùy vào từng độ tuổi, bố mẹ có thể có những tập rượt cho trẻ làm quen với những công việc đơn giản, như trẻ 2 - 3 tuổi đã có thể dạy trẻ biết dọn dẹp đồ chơi. Lớn hơn một chút có thể dạy trẻ phơi đồ, xếp quần áo và làm một số việc cho bản thân như tự tắm, chọn quần áo... Lớn hơn nữa cần tạo cho trẻ thói quen tự dọn phòng mình, chịu trách nhiệm về cất, dọn đồ dùng cá nhân… Và đừng cho rằng “trẻ làm không bằng mình làm cố”. Bố mẹ cần chấp nhận sự vụng về ban đầu, bởi trẻ cần có thời gian để rèn việc. Đừng vì cầu toàn mà cảm thấy bực bội, thậm chí chê trách khiến trẻ mất hứng. Một người đã kể, “con trai chị sang nhà bạn làm rất hăng, nhưng về nhà mình lười chảy thây”. Hóa ra khi làm trong nhóm bạn, trẻ được thán phục nên cảm thấy mình “tăng giá trị”.
Làm việc nhà là cách để trẻ thư giãn và đa dạng hóa hoạt động cho trẻ. Thay vì ngồi lì học bài - chơi game - xem tivi vốn căng thẳng đầu óc, trẻ làm việc nhà rồi quay lại học sẽ tiếp thu tốt hơn. Chỉ cần thêm những chỉ bảo của bố mẹ, cùng với lời động viên, khích lệ, sẽ là cơ hội tốt để bố mẹ giáo dục con có ý thức tốt về học tập và làm việc. Giao việc cho con trẻ cũng là một cách tốt nhất để xây dựng lòng tự trọng và giúp bé khám phá năng lực, hứng thú của chính mình. Những trẻ sớm tham gia làm các việc vặt trong nhà, biết coi việc nhà là một điều bình thường của cuộc sống sẽ dễ dàng bước vào giai đoạn trưởng thành so với trẻ không có tinh thần trách nhiệm với những công việc đó. Và qua những lần được sai vặt, được tự mình làm việc, cũng tạo cho trẻ thói quen quan sát người lớn khi làm một việc nào đó. Những quan sát này đã giúp bé biết tự giác, chủ động làm những công việc sức mình có thể làm được mà chưa cần bố mẹ sai làm. Đặc biệt, khi trẻ làm việc nhà, sẽ học cách nhận trách nhiệm. Trẻ sẽ học được rằng cuộc sống đòi hỏi phải làm việc. Với những đứa trẻ, làm việc nhà không chỉ là giúp đỡ bố mẹ, đó còn là những bài học cơ bản về kỹ năng sống.