[Kỹ năng sống] Con cái - bản sao của bố mẹ

Khánh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cha mẹ là tấm gương phản chiếu của con cái, chính vì vậy bất cứ hành động, hành vi lời nói nào cũng cha mẹ trong cuộc sống hàng ngày cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển tính cách của trẻ.

Muốn một đứa trẻ luôn độc lập tự tin khi trưởng thành, luôn vui vẻ và có đủ kỹ năng sống để bước ra thế giới rộng lớn ngoài kia. Cha mẹ cần là tấm gương để trẻ học theo và cũng là người thầy/người cô dạy trẻ có những bước đi vững chãi đầu đời.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Một đứa trẻ sống trong gia đình cha mẹ luôn cáu gắt khi nói chuyện với nhau, thờ ơ không quan tâm đến những thành viên khác trong gia đình, không chăm lo tốt cho ông bà nội ngoại hai bên,... liệu rằng đứa trẻ ấy lớn lên sẽ biết yêu thương người khác? Sẽ biết cách làm người khác vui vẻ? Nếu sống trong một gia đình như vậy mà khi trưởng thành, chúng biết yêu thương và quan tâm người khác, thì chúng sẽ nghĩ gì về cha mẹ?
Khi còn nhỏ, nhà nghèo, chỉ khi nào đến những ngày lễ, Tết lớn anh em chúng tôi mới được ăn thịt gà. Nhà 5 người, thịt con gà chưa đến hai cân mà phải chặt mang biếu ông bà nội ngoại hai bên, mỗi bên một cái đùi, tính ra là hết nửa con gà rồi. Phần còn lại thì cả nhà 5 người ăn, nhớ có lần vì ăn xong vẫn còn thèm, tôi liền than “nhà mình không mang cho ông bà thì đã có thêm thịt gà để ăn".
Nói xong tôi bị mắng cho một trận, bố bảo rằng “cả năm nhà không có gì cho ông bà, chỉ có những lúc như này thì mới có biếu ông bà, vì ngày xưa ông bà đã nuôi bố mẹ vất vả, rồi vất vả chăm sóc mấy đứa nữa, nhà mình không giàu có nhưng có gì ngon cũng phải nghĩ đến ông bà trước". Lúc ấy còn nhỏ, tôi không hiểu nhiều lắm, chỉ là mặc định rằng có gì ăn ngon sẽ phải nghĩ đến ông bà đầu tiên.
Trong xóm có một nhà rất nghèo, nghèo hơn cả nhà tôi. Thi thoảng đứa con nhà ấy lại mang nồi sang nhà tôi vay gạo, có những khi trong thùng chỉ còn vài bát gạo mẹ tôi cũng đong cho vay. Nói là cho vay nhưng mẹ tôi không bao giờ đòi. Có những vụ được mùa, mẹ lại gọi cô nhà ấy qua lấy thóc về ăn tạm.
Tôi cằn nhằn “nhà đấy vay gạo nhà mình có trả đâu, sao mẹ cứ cho vay mãi?”. Mẹ bảo “nhà mình không giàu nhưng cũng đủ ăn, nhà cô chú ấy bệnh tật nên không làm được nhiều, mình giúp được gì thì giúp”. Từ đó tôi hay giữ sách cẩn thận để học xong lại mang qua cho đứa con nhà cô chú học sau tôi một lớp.
Đến giờ, khi tất cả anh em chúng tôi đều có gia đình của riêng mình, nhưng hễ làm bất cứ việc gì chúng tôi đều nghĩ đến cha mẹ đầu tiên, những thứ tốt đẹp nhất, vui vẻ nhất chúng tôi đều dành cho bố mẹ trước. Chúng tôi chưa làm được gì nhiều, nhưng mỗi năm Tết về, chúng tôi lại đóng góp một khoản quỹ để tặng quà cho những hộ gia đình khó khăn ở quê. Mọi người đều nói, chúng tôi rất giống bố mẹ!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần