Kỹ năng sống: Định hướng giá trị sống

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hâm mộ thần tượng là chuyện rất bình thường, nhưng đam mê thần tượng kiểu thái quá lại tạo ra sự “báo động đỏ” trong lối sống và xu hướng tiếp nhận văn hóa giải trí.

Một phụ huynh ở Hà Nội phàn nàn: Con gái chị mỗi khi nghe tin các nhóm nhạc Hàn sang Việt Nam biểu diễn, lại nhịn ăn nhịn uống để dành tiền mua vé đi xem thần tượng. Không những thế, nhóm bạn của chúng ngày nào cũng bàn luận, phân chia nhiệm vụ, cắt cử nhau đi lùng sục vé, hội ý xem nên tặng thần tượng món quà gì, gặp thần tượng thế nào. Nhiều khi bố mẹ ốm cả tuần cũng chưa được lời hỏi thăm, nhưng thần tượng chỉ hắt hơi thôi đã thấy chúng xót xa. Nhưng chính chị cũng bối rối không biết ngăn cản thế nào cho phải.

 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Thực tế cũng cho thấy, mỗi lần có ngôi sao châu Á nào sang, Sân bay Nội Bài lại đông nghẹt bạn trẻ với đủ băng rôn, khẩu hiệu… từ sáng sớm cho tới tận đêm khuya để chờ đón. Rồi cái cảnh các chàng trai cô gái trẻ chạy theo xe chở thần tượng làm náo loạn đường phố cũng không phải hiếm. Nhưng điều thực sự đáng ngại là rất nhiều người do sự ngưỡng mộ điên cuồng, họ khóc cười theo thần tượng, không cần biết đến người thân, công việc.

Nhiều nhà tâm lý, giáo dục cho rằng, xác định thần tượng là chuyện bình thường ở giới trẻ, ở khía cạnh tích cực, đó chính là những mục tiêu trẻ muốn hướng tới. Nhưng quá cuồng vì thần tượng lại là chuyện bất thường. Thực tế cho thấy, sự thái quá của giới trẻ một phần do thiếu kỹ năng sống, sự định hình giá trị sống cũng chưa rõ ràng. Đặc biệt trong cuộc sống hiện đại, các yếu tố văn hóa mới ồ ạt được tiếp nhận qua đủ kênh thông tin, với cả những điều hay và chưa hay. Nhiều bạn trẻ không thể xác định được chân dung một thần tượng đúng nghĩa, phần lớn chỉ mới thấy thán phục một yếu tố hoặc đặc điểm nào đó của ai đó đã cho rằng đó là thần tượng của mình. Hơn nữa, chính sự hạn chế về vốn sống và sự lựa chọn, tiếp thu văn hóa còn mang nặng cảm tính, trào lưu mà ít có sự tham gia của lý trí, dẫn đến sự quá khích.

Cụm từ văn hóa thần tượng đang được xây dựng từ chính những người trẻ tích cực. Nói như một bạn trẻ, để làm “lành mạnh hóa” đời sống văn hóa của giới trẻ, thực sự cần có cái nhìn cảm thông và trách nhiệm hơn từ nhiều phía.

Do đó, đưa giới trẻ “đi đúng đường”, không thể thiếu sự dẫn dắt của gia đình. Nhưng định hướng không phải sự áp đặt. Bởi nếu thẳng thắn bài xích, chỉ ra những điều chưa được của thần tượng, cho rằng không đáng… có thể sẽ phản ứng tiêu cực, thậm chí còn đẩy trẻ lún sâu hơn vào sự lệch lạc. Có người đã chia sẻ kinh nghiệm, bố mẹ hãy tham gia cùng con trong các sự kiện có thần tượng để con cảm thấy bố mẹ quan tâm những điều chúng quan tâm. Từ đó, con sẽ dễ dàng chia sẻ với bố mẹ những cảm nhận, suy nghĩ của mình về thần tượng và phụ huynh cũng dễ định hướng cho con cái trong vấn đề này. Bởi người lớn không thể giúp trẻ nhận ra đúng sai khi chính họ cũng không hiểu gì về việc mình đề cập đến. Hơn thế nữa, bố mẹ không nên đáp ứng mọi yêu cầu, nguyện vọng tiếp xúc thần tượng của con trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vì điều đó có thể làm trẻ cảm thấy cứ muốn là sẽ được mà không có một giới hạn nào.