Kỹ năng sống: Đừng coi là “chuyện bình thường”

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một bạn trẻ từng buồn phiền tâm sự: “Không hiểu sao, bố mẹ em cứ cãi nhau hàng ngày về chuyện tiền nong khiến em không học bài được.

Sáng mở mắt ra đã thấy mẹ em ca cẩm bố về việc sao tiền nhanh hết thế, tối lại thấy mẹ to tiếng vì việc bố không mang đủ tiền về. Em ngồi học mà đầu óc cứ quay vòng vòng, chỉ mong có một ngày bố mẹ đừng cãi nhau nữa để em được yên ổn...”.
 Ảnh minh họa
Vợ chồng cãi nhau là chuyện không thể tránh khỏi trong các gia đình hiện nay, nhưng đi kèm với đó rất nhiều những người con nói rằng, rất buồn chán khi bố mẹ cãi nhau. Không ít chuyện đau lòng đã xảy ra khi con cái quá bất lực trước cảnh phải chứng kiến bố mẹ cãi nhau hàng ngày. Dù vậy, để có cách ứng xử phù hợp nhất khi xảy ra xung đột trong cuộc sống lại không phải bậc phụ huynh nào cũng có.
Nhưng theo một kết quả điều tra về các vấn đề xung đột trong gia đình, khi trẻ em chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã nhau thì 85,4% luôn có tâm trạng buồn phiền và lo sợ, 20% sợ hãi, 8,5% không hiểu được bố mẹ và 4,2% không tôn trọng bố mẹ. Thậm chí có 5,5% có mong muốn bỏ nhà để thoát khỏi tình trạng chứng kiến cảnh này hàng ngày. Điều đáng nói là rất nhiều phụ huynh không biết việc mình đang làm ảnh hướng lớn đến tâm lý cũng như nhận thức của con mình. Vì thế, mỗi khi có mâu thuẫn, họ thỏa sức tuôn ra những ngôn từ không mấy hay ho để giải tỏa bức xúc trong lòng, họ đã quên nạn nhân hứng chịu lại chính là con cái.
Gia đình nào cũng có mâu thuẫn, tuy nhiên, giải quyết thế nào để ổn thỏa mà không ảnh hưởng đến con là điều quan trọng nhất. Nhiều cặp vợ chồng hiện nay đã ý thức về điều này, nên mỗi khi có mâu thuẫn thường kéo nhau vào phòng kín hoặc ra chỗ khác không có con cái để nói chuyện. Hoặc biến những cuộc xung đột nảy nửa thành những cuộc tranh luận có tính xây dựng trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Còn nếu vô tình để trẻ chứng kiến được những xung khắc không hay giữa bố mẹ, thì cũng đừng vội lấp liếm nó đi. Thay vì thế hãy thẳng thắn nói chuyện và xin lỗi con. Nói với con rằng cả bố và mẹ đều rất yêu con. Với những trẻ có độ tuổi khác nhau, phải có những lời nói, những cách giải thích khác nhau. Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, không thể áp dụng phương pháp này quá nhiều lần. Nếu sau mỗi lần xin lỗi mà những cuộc cãi vã nảy lửa của hai vợ chồng vẫn tiếp tục xảy ra thì nó chẳng còn có ý nghĩa gì nữa. Bởi thế, những lúc các cuộc tranh luận của hai vợ chồng vẫn chưa đi đến hồi kết, vẫn đang gay gắt thì mỗi người hãy đi ra ngoài một lúc, để có thể tĩnh tâm lại. Rồi sau đó mới trở về nhà và tiếp tục bàn bạc với nhau sau khi đã cân nhắc thật cẩn thận.
Cuộc sống gia đình ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và sự phát triển của trẻ nhỏ. Những trẻ sống trong một gia đình không hạnh phúc sẽ sống thu mình lại hay thậm chí còn trở nên ngang bướng. Nhưng những đứa trẻ có được gia đình yên ấm, bố mẹ thuận hòa sẽ được phát triển tâm sinh lý và thể chất một cách toàn diện nhất. Kỹ năng sống trẻ có được đến từ chính những kỹ năng và sự ứng xử trong cuộc sống của những người lớn gần gũi nhất là bố mẹ.