[Kỹ năng sống] Đừng tạo ra “cuộc cạnh tranh”

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị cũng như nhiều người hiện nay, vẫn có thói quen lấy tấm gương của người anh, người em hoặc những đứa trẻ xung quanh ra để so sánh, để bắt con mình phải học tập, phải đạt được hoàn hảo như thế.

Ngày con nhỏ thì chị hay nói: “Con xem, con ăn chậm, con biếng ăn quá, nhìn các bạn kìa, ăn giỏi hơn con biết bao nhiêu, ăn như vậy mới lớn, thông minh được”; lớn chút nữa là so sánh trong học tập. “Con học dốt quá, bạn... học giỏi hơn con, siêng năng hơn con, sau này các bạn sẽ thành công, còn học như con chỉ có mà đi quét rác, bán vé số...”. Rồi kể cả các hành xử thường này, câu nói “con chẳng được việc gì cả, nhìn bạn…, bạn ấy giỏi, ngoan…” dường như lúc nào cũng thường trực trong chị.
 Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet.
Ngay cả các con với nhau, chị cũng hay mang ra so sánh, rồi chê bai những khuyết điểm của con với một suy nghĩ rất đơn giản, để chúng thấy ngượng, ganh đua mà tiến bộ lên cho hoàn hảo. Nhưng vô tình, việc so sánh ấy đã khiến con chị cảm thấy bị tổn thương khi “chưa được như ý”, đẩy con vào một sự “cạnh tranh” và “ganh ghét” những người được mang ra so sánh với mình. Đến một thời điểm, con chị còn nghĩ mình bị ghét bỏ, không được yêu thương, nên có những thời điểm co mình lại, tránh tiếp xúc với bố mẹ.
Việc so sánh giữa những đứa trẻ là một “lỗi” trong kỹ năng sống mà nhiều người lớn hay mắc phải. Trong khi đó, trách nhiệm của bố mẹ là xây dựng lòng tự tin cho con chứ không phải là hủy diệt sự tự tin, sáng tạo trong con. Bởi những lời so sánh ấy với những trẻ còn nhỏ có thể không quá ảnh hưởng nhiều, nhưng khi trẻ càng lớn, càng ý thức về bản thân, việc so sánh liên tục lặp lại chỉ khiến cho trẻ cảm thấy mình không có giá trị, mình thật vô dụng.
Trong khi mỗi đứa trẻ là một cá nhân, có cá tính, sở thích riêng..., không có đứa trẻ nào tốt hơn đứa trẻ khác một cách toàn diện. Do đó, các chuyên gia tâm lý cho rằng, hãy để trẻ cảm thấy rằng chúng không cần phải giống với người anh chị em, hoặc một đứa trẻ nào đó. Với những ai có thói quen hay so sánh, cũng nên thay đổi lại cách đối xử với con, hãy chấp nhận trẻ như trẻ vốn có. Việc trẻ học chưa giỏi, hay chưa khéo léo trong cách cư xử, phải tìm lý do và hướng dẫn, uốn nắn dần dần.
Nếu trẻ có những hành xử tiêu cực bởi cách so sánh của bố mẹ, trước mắt người lớn nên “sửa chữa” bằng cách nói lời xin lỗi con, thừa nhận mình đã không đúng. Hãy chỉ cho trẻ thấy rằng vì yêu thương mà bố mẹ muốn con trở nên hoàn hảo, cũng là mong sau này con có cuộc sống hạnh phúc.
Hãy chỉ cho trẻ thấy trẻ có bao nhiêu là điểm tốt khiến bố mẹ vui lòng. Còn một vài điều chưa được ưng ý có lẽ là do con chưa chú ý, chưa thật sự cố gắng, nhưng bố mẹ tin rằng con khắc phục được dần dần. Kích thích sự sáng tạo, tự tin phải xuất phát từ thúc đẩy những điểm tốt trong trẻ chứ không phải tạo ra cuộc ganh đua trong tức tối.