Kỹ năng sống: Đừng tự biến thành “hung thần”

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mở cửa, dắt xe vào nhà, chị hỏi "Con có đói không?" nhưng không nghe tiếng trả lời, ngoái đầu nhìn lại thì thấy con gái vẫn đứng khép nép ngoài cổng.

Nhìn vào mắt con, chị cảm giác mình giống như một hung thần. Cũng bởi không ít lần chị vô cớ trút giận lên con. Nhiều khi con chỉ làm đổ cốc sữa, chị cũng nổi điên, mặt hầm hầm quát: "Ăn uống thế à. Đập cho một nhát bây giờ", rồi vớ được dép, cán chổi là chị lại phát vào mông con. Lúc đó, chị cũng không còn biết điều gì đang diễn ra, chỉ biết đánh con, đánh thật nhiều, thật đau. Và cứ như thế, chị có cảm giác mình đang đánh mất dần tình yêu của con.
 Ảnh minh họa.
Có thể thấy các ông bố, bà mẹ đánh đập con vì nhiều nguyên nhân: Do là con nuôi, do trẻ không nghe lời, do bố mẹ công ăn việc làm bấp bênh đời sống gia đình khó khăn về kinh tế... nên họ đã “giận cá, chém thớt” trút hết vào con. Bởi vậy, những trận đòn roi bao giờ cũng đi kèm bao lời chửi rủa độc địa. Có em là học sinh giỏi, bố mẹ có tham vọng cho con đi du học nên ép học thêm đủ các môn. Không kham nổi, em xin bố mẹ cho nghỉ học thêm nhưng họ đã đánh, mắng, đay nghiến bằng những lời nói nặng nề. Sau đó, em đã rơi vào trạng thái trầm cảm lầm lì, ít nói, đi học về chỉ ở trong phòng và định nhảy lầu tự tử chỉ để không phải học nữa.

Có lẽ đó không phải là những trường hợp duy nhất trẻ bị ám ảnh sợ hãi bố mẹ quá mức vì thường xuyên bị đánh một cách vô cớ. Khi đánh con trong tâm trạng giận dữ, cáu gắt, người ta không điều khiển được hành vi của mình, không biết mình đánh con đau như thế nào. Các chuyên gia cho rằng, dù không phải trẻ nào bị đánh cũng mắc bệnh sợ bố mẹ mà tùy vào tố chất của mỗi bé. Có thể lúc bị đánh, bé thấy sợ, thấy ghét nhưng nếu nhận thấy tình yêu thương của bố mẹ nhiều hơn thì trẻ cũng nhanh chóng quên đi việc bị đánh. Nhưng với những trẻ có nhân cách yếu, quá nhạy cảm thì đó có thể trở thành bệnh. Trẻ có cảm giác mình bị chà đạp, bị bỏ rơi.

Theo một khảo sát, trong số gần 1.400 người được hỏi, có đến 1/4 cho biết mình thường xuyên đánh, mắng con. Gần 70% thỉnh thoảng có làm việc này. Các chuyên gia khuyến cáo, có thể khi con còn nhỏ, bố mẹ chưa thấy hết được hậu quả của hành vi đánh con. Nhưng khi lớn hơn, nếu vẫn tiếp tục bị đánh, trẻ sẽ có những phản ứng chống đối như: Không học, không làm bài, nhiều khuyết điểm, lấy tiền đi chơi, làm những điều trái với mong đợi của bố mẹ. Thậm chí có những trẻ trở nên lỳ lợm, bất cần đời. Khi ấy, những trận đòn roi cũng không còn tác dụng răn đe, bố mẹ cảm thấy bất lực trong việc dạy con. Do đó, khi thấy trẻ có biểu hiện xa lánh mình, bố mẹ nên tìm ra nguyên nhân, thay đổi cách cư xử với con. Điều này rất cần sự kiên trì, và hãy dành thời gian chơi với con nhiều hơn, không nên tức giận. Khi trẻ mắc lỗi thì không quát mắng hay đánh đập mà giải thích cho con hiểu như thế là sai, lựa chọn những hình thức kỷ luật khoa học... Trong việc dạy trẻ, điều quan trọng nhất là khiến con tôn trọng mình chứ không phải là sợ hãi.