[Kỹ năng sống] Giận quá mất khôn

Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một công trình nghiên cứu xã hội học đã chỉ ra, kẻ thù chính của hạnh phúc gia đình không phải là sự khó khăn về kinh tế hay thiếu chung thủy vợ chồng mà lại là những cuộc cãi vã thường xuyên.

Dù rằng, nóng giận là trạng thái bình thường của con người, cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc có bất đồng xô xát, cãi vã, nhưng để tránh “giận quá mất khôn”, đẩy cảm xúc nóng nảy đi quá xa, rất cần sự rèn luyện.
 Ảnh minh họa.
Một thực tế đã được chỉ ra, không ít các cuộc xung đột đã biến thành mạt sát, xúc phạm đến nhau, cuối cùng là hạnh phúc gia đình tan nát, con cái “tan đàn xẻ nghé”. Một cặp vợ chồng thường xuyên đẩy nhau vào những trận chiến miệng nảy lửa, bởi chồng đi làm về muộn, thay vì chỉ nhắc nhẹ nhàng, chị lại rỉa rói: "Anh đúng là loại đàn ông la cà tối ngày" và tuôn ra vô khối những lời nặng nhẹ với chồng. Không đừng được, anh cũng quát lên: "Cô đúng là loại đàn bà lắm mồm. Cô xem lại mình đi, cô cũng đâu có hơn gì tôi"... “Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, hai người cứ tự đổ thêm dầu vào lửa làm cho cuộc cãi vã dường như chẳng thể có điểm dừng với những câu không mấy hay ho về nhân cách, con người nhau.

Không ít cặp vợ chồng cứ cãi nhau là buông lời đụng chạm tới bố mẹ hoặc gia đình bên kia. Nhiều lần cảm thấy bị xúc phạm, rồi chính họ cũng không còn thấy cần phải tôn trọng nhau nữa và cả hai tuôn ra những lời thóa mạ nhau không đáng có. Từ những người có học, họ đã vô tình biến nhau thành người thiếu văn hóa ngay trong chính mái ấm của mình.

Người ta thường bảo "lời nói là gói vàng", nhưng "lời nói cũng là đọi máu". Thế nên, tranh cãi sao cho vợ chồng thêm hiểu nhau, gia đình êm ấm cũng là cả một nghệ thuật. Trong đó, điều đáng lưu tâm nhất là không nên dùng lời lẽ xúc phạm đến những điều hệ trọng như nhân cách, bố mẹ, uy tín, nghề nghiệp của nhau. Đừng vì tức giận, không kiềm chế mà ném vào nhau những lời nói xúc phạm. Vết thương trên da thịt dễ lành, còn vết thương lòng cần rất nhiều thời gian và công sức mới hàn gắn được.

Cuộc sống hiện đại với quá nhiều áp lực dễ khiến con người nóng giận. Tuy nhiên, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, những người vợ, người chồng cần kiểm soát cơn nóng giận của mình. Bởi lẽ chính những phút thiếu kiềm chế đó có thể đẩy cuộc hôn nhân tới bờ vực của sự đổ vỡ. Như các chuyên gia đã khuyên, khi hai vợ chồng đã không còn giữ được bình tĩnh, hãy cho cả hai bên một khoảng lặng để suy ngẫm. Đừng để cảm xúc lấn át lý trí mà tạo ra những hậu quả đáng buồn không thể cứu vãn về sau. Với hôn nhân, cãi nhau cũng như gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày, nếu biết cách, các cặp vợ chồng sẽ làm bền chặt hơn nữa chất keo gắn kết hạnh phúc gia đình mình.